Menu


THƯ VIỆN của TVBQGVN (1970-1975)

Võ Công Tiên, K26/TVBQGVN

 

SVSQ Võ Công Tiên, K26 (Năm thứ 2).Nằm tại 11° 57’ 40” Vĩ Độ Bắc và 108° 28’ 30” Kinh Độ Đông, Thư Viện của TVBQGVN đã từng là nơi mà các binh thư, tài liệu, sách báo, được phơi bày như một vườn hoa hoang dã. Khó mà thưởng thức và tiếp nhận hết những gì chất chứa trong từng trang giấy, mảnh phim mà Trường Võ Bị, đặc biệt là Khối Văn Hóa Vụ, đã mang đến cho SVSQ những phương tiện học hỏi, nâng cao kiến thức hiện đại qua kho tàng văn hóa của nhân loại.

Với 81,000 quyển sách, gần 100 tờ báo và khoảng 1,500 cuộn vi phim (microfilm) là tài sản chính của thư viện, trong đó 80% bằng Anh Ngữ. Thư Viện là trái tim của Trường Võ Bị, được xây dựng với 3 tầng lầu, bên ngoài là một sân thượng lớn trên tầng hầm (câu lạc bộ, bệnh xá, và các phòng dịch vụ). Từ những phòng nhỏ có trang bị các máy điện toán (computer sơ khai vào thập niên 70), người đọc sách có thể nhìn bao quát cả khu vực Chi Lăng -Thái Phiên, xa hơn là Thị Xã Đà Lạt tới Dassar, và Đỉnh Lang Biang (2,167 m) quen thuộc.

Từ tháng 3 năm 1970, các Khóa 23, 24, 25, và 26 đã được hưởng những ưu điểm của chương trình văn hóa 4 năm. Trường Võ Bị vừa hoàn tất các cơ sở mới gồm Nhà Thí Nghiệm Đào Thiện Yết (mang tên một sĩ quan hy sinh tại trường vào tháng 4/70) và Thư Viện Võ Bị. Trong khi các phòng thí nghiệm điện khí, động cơ nổ, khí động lực, thủy động lực, sức chịu vật liệu, thổ cơ nhựa đường, điện toán, vũ khí tác xạ, vật lý, điện tử, hóa học, thính thị Anh ngữ cung ứng cho việc thực tập các đề tài khoa học kỹ thuật, thì Thư Viện Võ Bị là môi trường tự do dành riêng cho từng SVSQ học hành, sưu khảo.

Phân loại theo hệ thống Dewey, hầu hết sách báo Việt ngữ trình độ trung cấp trở lên được trưng bày, đầy đủ toàn bộ như bán nguyệt san Bách Khoa, Tập San Quốc Phòng. Về Anh ngữ, phần lớn là khoa học tự nhiên, kỹ thuật thực dụng, kinh tế, quản trị và các lãnh vực liên quan đến thế giớị. Âm nhạc, kịch nghệ khắp 5 châu cũng được nghe qua băng cassettes. Điều trớ trêu là thư viện lại chẳng lưu trữ đầy đủ các số Đa Hiệu (trên dưới 80 số trải qua hơn một thập niên), và rất ít tài liệu về quân sự, chiến trường.

Để đảm nhận các công tác kiến thiết xứ sở dù trong thời chiến lẫn thời bình, Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà cần nhiều cán bộ, quân nhân mẫn cán và tài ba. Thí dụ việc thăng thưởng, bước qua cấp chuẩn tướng thì đòi hỏi sĩ quan phải có trình độ văn hoá tốt nghiệp đại học (văn bằng cử nhân). Điều kiện đó thúc đẩy nhiều quân nhân các cấp ngoài chiến trường ngày đêm trau dồi thêm kiến thức. Các căn cứ, đồn bót, khởi sắc với những lớp giảng dạy, tự học dưới tiếng đạn pháo kích hay bên ánh đèn cầy.

Người quân nhân nổi trôi theo từng lệnh hành quân, thay đổi doanh trại, kéo theo việc học hành của con cái kể cả những sinh hoạt thuở hoa niên. Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị đã khuyến khích các đơn vị mở phòng đọc sách, câu lạc bộ, đặc biệt là thành lập và quản trị hằng chục trường sở khắp các quân khu. Trường Văn Hóa Quân Đội, 17 Đại Lộ Thống Nhất Sài Gòn, nổi tiếng là một trường trung học kỷ luật và tươi vui.

Thời khóa biểu dành cho SVSQ tại Trường Võ Bị chỉ cho phép họ đọc lướt nhanh, hơn là tra cứu khi vào thư viện. Đây chính là giờ học tập cá nhân mà không bị ràng buộc vào việc kiểm soát của Trung Đoàn SVSQ như 2 giờ tự học mỗi đêm tại phòng (6 ngày mỗi tuần trong suốt mùa văn hóa). Thư Viện cũng là nơi mà các giáo sư cùng quân nhân các cấp của Trường đến tham khảo, hội luận. Trung tâm điểm của khu văn hóa, doanh trại SVSQ, bến xe Lê Lợi, thư viện thường tiếp đón quan khách một khi đã đến viếng thăm Đồi 1515.

Hẳn nhiên Thư Viện Võ Bị không thể thiếu các binh thư; từ binh pháp Tôn Tử, Trần Hưng Đạo, đến các sách loại “phổ biến hạn chế” của Bộ Tổng Tham Mưu, hoặc các tài liệu quân sự bằng tiếng Anh có mã số FM (Field Manual). Người đọc có thể nghiền ngẫm “Vấn Đề Chỉ Đạo Chiến Lược Trong Chiến Tranh Việt Nam” của Đại Tá Đỗ Ngọc Nhận, hoặc thưởng thức những hình ảnh rạng ngời trong các trang sách màu với những chiến đấu cơ uy dũng dưới trời xanh.Thư viện Võ Bị

Bước chân vào các quân trường như TVBQGVN, Trường Đại Học Chíến Tranh Chính Trị, SVSQ quả thực có cơ hội học tập, tôi luyện trong một khung cảnh tươm tất. Bao chồng mũ beret sắp gọn gàng khi vào cửa, lời chào của một sinh viên dược khoa mang tên Phương Hiền chẳng hạn, hay mảnh giấy nhỏ nào đó của các sinh viên học sinh gửi kèm qua các sách mượn, giờ có còn lưu dấu gì không? (*)

Có thể sẽ không nhớ Trung Úy Đinh Phúc Văn, Quản Thủ Thư Viện, với vóc dáng nặng về văn hơn võ. Nhưng hình ảnh của các nhân viên thư viện thì đặc biệt có hai trường hợp: thứ nhất là một anh Hạ Sĩ Thư Ký, ngoài công tác kiểm soát sách báo khi nào rảnh là chú tâm tự học toán lý hóa, và đã được nhiều SVSQ chỉ vẽ; thứ hai là một nhân viên trẻ mang tên Cô Mùi.

Thư viện thuộc TVBQGVN không phổ thông như thư viện của Thị Xã Đà Lạt, sâu rộng như tại Viện Đại Học Đà Lạt, cũng không nặng phần nghiên cứu như ở Giáo Hoàng Học Viện. Nó có một mục đích rõ rệt là đáp ứng nhu cầu tìm hiểu các tương quan trong cộng đồng quốc tế, kết hợp với việc phát triển của các nền văn minh kim cổ theo chiều hướng “Phát huy khả năng toàn diện và trau dồi kiến thức hiện đại là nhiệm vụ chính của người SVSQ trong thời gian thụ huấn”.

Ghi chú:

* Phần lớn quý vị giảng viên của Trường Võ Bị cũng là giáo sư tại các trường trung học hoặc Viện Đại Học Đà Lạt. Cô Trần Phương Thu, Hiệu Trưởng Trường Trung Học Bùi Thị Xuân dạy Anh văn tại Trường Võ Bị. Vì thế các sách mượn được luân lưu ngoài phố. Sách có tựa đề Đà Lạt Văn Hóa xuất bản 1973 ca ngợi sự đóng góp của Thư Viện Võ Bị vào mô hình phát triển văn hóa giáo dục tại vùng cao nguyên Lâm Viên.