Menu

 


   Nhập học ngày 29 tháng 11 năm 1959 tại cơ sở Trường Võ Bị Liên Quân, nguyên là Quân Viện Catroux của quân đội Pháp chuyển giao. Quân số Tân Khóa Sinh (TKS) nhập học hơn 300 người.- Sau 8 tuần Huấn Luyện Sơ Khởi, Thủ-khoa Tân Khóa Sinh là Tân Khóa Sinh Lý Văn Quảng (đã tử trận năm 1964  trong lúc phục vụ tại Tiểu-đoàn 6 Nhảy Dù).

  - Sau năm thứ nhất, 52 Sinh Viên Sĩ Quan, do kết quả thi văn-hóa cuối năm dưới điểm trung-bình, những người này được đưa đi tiếp tục huấn luyện quân sự ở Trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế ở Nha Trang, ngoại trừ 4 Sinh Viên Sĩ Quan được gia đình bồi hoàn chi phí huấn luyện cho Bộ Quốc Phòng để được giải ngũ, trở về đời sống dân sự, do qui chế hiện dịch và chưa có lệnh Tổng-động-viên.

  - Cuối năm thứ 2, hai Sinh-viên Sĩ-quan nữa bị loại vì thiếu điểm trung-bình văn hóa, được Chi-huy-trưởng Trường Võ Bị cho chọn  quân binh chủng để phục vụ và hai người này đã thuyên chuyển sang Hai-quân với cấp bậc Chuẩn-úy hiện dịch.

- Kỳ thi văn hóa cuối năm thứ 3, đã loại trừ thêm 1 Sinh-viên Sĩ-quan và người này đã tình nguyện phục vụ tại binh chủng Nhảy Dù với cấp bậc Chuẩn-úy hiện dịch.

- Vài tháng sau, Tổng-thống Ngô Đình Diệm đã ban lệnh đặt quốc gia trong tình trạng khẩn trương và đồng loạt cho khóa 16 tốt nghiệp (cùng lúc với khóa 12 Thủ Đức và khóa 3 Đồng Đế), tên khóa được đặt là "Khóa Ấp Chiến Lược" để đáp ứng nhu cầu chiến trường.

  Năm 1960, khi Trường Võ Bị Liên Quân được chính thức cải tổ thành Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, khóa 16 bước vào năm thứ nhất ở cơ sở trường cũ. Sau năm thứ hai, cơ sở trường mới đã tạm hoàn thành trên ngọn đồi 1515 san bằng, khóa 16 đã tiếp nhận khóa 18 nhập trường cho đến ngày mãn khóa khi khóa 19 hoàn tất 8 Tuần Sơ Khởi. Khóa 16 là khóa đầu tiên phục vụ liên Quân Binh Chủng. Riêng với Hải-quân, trong số 15 sĩ quan đến Trường Hải-quân Nha Trang chỉ còn 7 sĩ quan "bám trụ" và 7 sĩ quan đã bỏ về lại lục-quân do thái độ kỳ thị và ganh tị của các sĩ quan thuộc quân chủng quân chủng này đối với họ.

  Khóa 16 tốt nghiệp với 226 Thiếu-úy hiện dịch và được bổ nhiệm đến: Không-quân 27 người, Hải-quân 15 người, Nhảy Dù 3 người, Thủy Quân Lục Chiến 10 người và các Sư-đoàn bộ binh cùng Lực Lượng Đặc Biệt, Biệt Động Quân. Dù vậy, cũng có đến gần 50 sĩ quan được giữ lại trường và bổ nhiệm đến các trung tâm huấn luyện và quân trường khác để làm cán bộ hoặc huấn luyện viên.

Thủ-khoa khóa 16 là Thiếu-úy Bùi Quyền, phục vụ ở binh chủng Nhảy Dù.

"Lúc Bấy Giờ..."

  Đại Đội 7 Tân Khóa Sinh

  Dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa đầu tiên, vào tháng 11 năm 59, Hướng-đạo Việt Nam đã hãnh diện đứng ra tổ chức Trại Họp Bạn Thế Giới (Jamboree) tại Trảng Bom, Long Khánh. Đang là Đội-trưởng Nhất của Thiếu-đoàn Quang Trung tại Đà Lạt, tôi thật nao nức chuẩn bị đi dự trại. Đột nhiên, giấy gọi trình diện nhập học khóa 16 đến nhà. Chẳng buồn hỏi ai, tôi nhất quyết đi họp bạn hướng-đạo rồi mới vào trình diện trường Võ Bị. Khi trở về lại Đà Lạt, từ lâu đã nghe nói lúc mới vào trường khóa đàn anh "quay" dữ lắm nên tôi không mang gì theo ngoài chiếc quần jean cũ bạc màu (xin của nhà thờ Tin Lành) với áo da đen và đôi giày "mocassins" cho nhẹ chân chạy. Nào ngờ cả khóa 16 đã nhập học đầy đủ cả tuần lễ rồi. Người ra đón tôi ở trạm gác cổng Chi Lăng là SVSQ khóa 14 Nguyễm Kim Thinh, cán bộ Tiểu-đoàn-trưởng Tiểu-đoàn 1 Tân Khóa Sinh. Anh nhìn tôi từ đầu đến chân rồi chẳng nói chẳng rằng ra dấu cho tôi đi theo vào doanh trại. Sau khi đầu tóc bồng bềnh đã được gọt sạch, tôi nhập học khóa với bộ quần áo "du đãng" ấy suốt cả hai tuần lễ đầu. Luôn luôn chạy cuối hàng quân và được "tận tình chiếu cố". Tôi được xếp vào đại đội 7 TKS coi là đại đội thặng số và nằm cùng phòng với "ông Tổng Võ Bị hai nhiệm kỳ" T.K.T. và sát giường của một người hoàng-tộc họ Tôn Thất rất "Tây" nên được đặt tên là "Đờ Lăng". Bù lại, tôi cũng được cả khóa gọi là "cao bồi" để phân biệt với "ông Tây già" họ Hồ. Sau này, khi về TQLC tôi đã gặp lại NT Nguyễn Kim Thinh nhân dịp bàn giao vị trí đóng quân năm 64. NT Thinh đã cùng Á-khoa K14 Thái Trần Trọng Nghĩa về binh chủng này năm 60.

  Những Vi Giáo Sư Toán Của Khóa

  Do nhu cầu của chương trình văn hóa được cải tổ, theo khuôn mẫu Trường Võ Bị West Point của Hoa Kỳ, một số sĩ quan có bằng cấp đại học đã được điều động về trường Võ Bị. Với dáng cao gầy và gương mặt khắc khổ, Hải-quân Trung-úy Lê Phụng vốn tốt nghiệp từ trường sĩ quan Hải-quân Pháp đã xuất hiện ở sân trường với bộ quân phục đại lễ màu trắng thẳng nếp và bộ kiếm lủng lẳng bên hông. Ông độc thân nhưng khó tính, không bao giờ cười và đã gọi những người học kém toán, như tôi, là "đầu óc gỗ". Ở lớp học ông thường nghiêm nghị và có lúc trầm ngâm với ống "pipe" trên tay. Ông Lê Phụng đã đi tu nghiệp bên Hoa Kỳ năm 72 và không trở lại Việt Nam nữa. Đối nghịch, đại-úy Nguyễn Ngộ, cũng độc thân, vốn tốt nghiệp trường đại học Sorbone ở Paris, khi được đề cử sang Pháp học Công-binh, về cả khoa toán lẫn văn chương. Ông vào lớp như một triết gia với quân phục chểnh mảng và giảng toán thao thao bất tuyệt. Nhưng ông giảng bài dễ hiểu hơn. Đối với ai lên bảng giải toán tích-phân cứ loay hoay với nhiều hàng số, ông chỉ nói nhẹ rằng "anh như con nhện tự giăng tơ ra quấn lấy mình". Bước sang năm thứ hai, Hải-quân đại-úy Nguyễn Tiến Ích cùng đến Văn-hóa-vụ với một số giáo sư tốt nghiệp ở Mỹ về làm việc cho Nguyên Tử Lực Cuộc như giáo sư Nguyễn Tư Bân. Hải-quân đại-úy Nguyễn Tiến Ích về trường đã tiếp tay về môn toán với món ăn khó nuốt được gọi là "sinsin colog". Sau này, ông đi tu nghiệp và lấy bằng tiến-sĩ ở học viện MIT, Hoa Kỳ. Trong cuộc khảo hạch văn hóa nào, ông Lê Phụng cũng sẵn sàng phang hai con số 00 cho những bài đáp toán "không ra gì". Từ đó, với quyết tâm của tân Chỉ-huy-trưởng là Trung-tá Trần Ngọc Huyến, cái tên Khóa 16 Lưu Đầy ra đời.

  Khóa 16 Lưu Đầy

  Một ngày không đẹp trời, khi mùa quân sự sắp khai giảng, cuối năm 60, ở doanh trại cũ, cả khóa 16 được lệnh tập họp giữa sân cờ chờ lệnh. Sau đó, đích thân Chỉ-huy-trưởng cầm tay danh sách "phong thần" đến cùng với đầy đủ các sĩ quan cán bộ. Những SVSQ được gọi tên sẽ tập họp riêng ra một bên, rồi trong vòng nửa tiếng đồng hồ, được lệnh theo sĩ quan cán bộ vào phòng ngủ thu dọn quân tư trang ra trước sân cờ để được phân bổ lên xe GMC cơ hữu cùng toán quân hộ tống chạy thẳng xuống Trường Đồng Đế ở Nha Trang. Danh sách cùng quyết định đã được chính Chỉ-huy-trưởng giữ bí mật cho đến giờ phút cuối. Trong số này, có người đã tốt nghiệp Tú-tài phần 2 kỹ thuật và là cháu ruột của đương kim Tổng-trưởng Quốc-phòng cùng em ruột của một vị Trung-tướng.

  Biến cố này đã lưu lại một vết thương tinh thần cho cả khóa. Đồng thời, từ đấy ai cũng bừng tỉnh ngộ khi thấy nhà trường đã đặt nặng chương trình văn hóa. Đa số vào trường đã mang ý nghĩ "đã bỏ học ở ngoài để đi lính rồi." Từ đấy, những SVSQ vốn đã có chứng chỉ MG, MPC đã vượt nổi lên như Bùi Quyền, Nguyễn Xuân Phúc. Nguyên gốc Tú-tài ban C, tôi cùng nhiều bạn bè lo lắng, tối tối theo năn nỉ "cháu 7 đời của ông Bùi Viện" dạy kèm thêm toán, e rằng có ngày phải "đi tàu xuốt".

  Cổng Tôn Thất Lễ

  Cổng sau của Trường Mới về phía Chi Lăng được tạm gọi tên của nhà thầu xây cất. Do "thất lễ", nên từ cổng này đã xảy ra nhiều chuyện ngoài "kỷ luật thép" của nhà trường. Sang năm thứ 3, là khóa lớn nhất, một số tuổi trẻ ham vui đã lợi dụng đêm tối lẻn ra cổng này để đi thăm mấy "em gái Đà Lạt". Nếu có những màn điểm danh bất chợt nửa khuya, ai cũng chắc là đã có chàng bị bắt gặp ngoài phố. Cũng may không có "sự cố" nào đáng tiếc xảy ra.

  Rồi cả khóa được đưa xuống Dục Mỹ, Nha Trang, theo học khóa Rừng Núi Rừng Lầy của Biệt Động Quân cho đến lúc "tả tơi" trở về trường Võ Bị với râu tóc xồm xoàm, áo quần bạc phếch và da dẻ đen thui. Hình ảnh này đã khiến cho các TKS khóa 19 mới vào trường bị đàn anh khóa 17 quần thảo "bở hơi tai" lấm lét không dám nhìn dù có người vốn là bạn học từ thuở còn tiểu-học.

  Ra Trường Đi Đơn Vị

  Khi ba người bạn cùng khóa được bổ nhiệm về tiểu-đoàn 4 TQLC đang hành quân ở Cà Mâu, đã hết sức ngỡ ngàng trước đám lính TQLC râu tóc xồm xoàm, súng đạn tua tủa, dày dạn chiến trường mà chẳng có ai quan tâm dẫn dắt. Trong đon vị có các khóa Võ Bị Liên Quân từ K8 đến K10, 13, 14. Một vị Đại-úy đại-đội-trưởng xuất thân khóa 13 đã "chỉnh" ngay khi nghe gọi bằng Niên Trưởng thay cho cấp bậc. Nên từ đấy, khi có dịp họp mặt nhau, chúng tôi đã bảo nhau phải hết lòng lo lắng và dẫn dắt các khóa đàn em và luôn tôn trọng danh từ Niên Trưởng của Võ Bị. Là khóa đã phục vụ liên Quân Binh Chủng nên từ năm 65 đến 75, đi hành quân hay công tác ở đâu chúng tôi cũng gặp lại nhau. Trên trời, có Trương Thành Tâm, Nguyễn Văn ­c, Trần Châu Rết, Cao Quảng Khôi, Lê Văn Châu... Ngoài biển, có Nguyễn Duy Lòng, Hoàng Đình Thanh, Nguyễn Như Phú, Nguyễn Hồng Diệm... Đã nghe tiếng nhau, bằng mọi giá cũng nhào vào tiếp cứu. Từ đó, các khóa đàn em đã theo bước chân và tạo thành một truyền thống về Tình Thân Ái của tập thể cựu SVSQ Võ Bị cho mãi đến nay. Trong công cuộc chiến đấu chống Cộng, một nửa khóa 16 đã nằm xuống trên khắp các mặt trận đã tạo nên tiếng tăm lừng lẫy cho Trường Võ Bị Đà Lạt, trong suốt chiều dài của một thập niên chinh chiến đầy máu lửa để gìn giữ phần đất tự do của quên hương.

  Những tên tuổi đã đi vào chiến sử của Miền Nam Việt Nam của khóa 16 bắt đầu từ Nhữ Văn Hải đến Võ Anh Tài, Hoàng Lê Cường, Hồng Bảo Hiền, Nguyễn Hữu Thông, Đặng Phương Thành, Phan Văn Tân, Bảo Sung, Nguyễn Bảo Tùng, Lâm Quang Đằng, Trịnh An Thạch, Nguyễn Đình Thủy, Đỗ Hữu Tùng, Nguyễn Đằng Tống và Nguyễn Xuân Phúc.

  * Ghi Chú:

  - Đại-tá Nguyễn Hữu Thông, Trung-đoàn-trưởng của Sư-đoàn 22 Bộ-binh tự tử ở miền trung sau khi từ chối lên tàu hải-quân di tản năm 75.

- Đại-tá Đặng Phương Thành, Trung-đoàn-trưởng của Sư-đoàn 7 Bộ-binh vượt ngục ở một trại tù tại miền bắc đã bị bắt lại và bị đánh đập đến tử thương năm 78.

- Trung-úy Nguyễn Bảo Tùng là phi công trực thăng của Không Lực VNCH tử trận năm 65 ở biên giới Việt-Lào trong chuyến đổ quân bí mật của Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ, được an táng tại nghĩa trang Quốc-gia Arlington, Virginia, Hoa Kỳ tháng 6 năm 2003, sau ngày hài cốt được Cộng-sản VN hoàn trả.

  Trần Ngọc Toàn, K16 ghi lại