Menu


VIỆC CÔNG NHẬN VĂN BẰNG KỸ SƯ VÀ CỬ NHÂN CUẢ TVBQGVN

Giáo sư Lê Đình Cai
(Sử học, Văn hóa vụ)

Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam thoát thai từ Trường Sĩ quan Việt Nam tại Huế (19481950) gồm 2 khóa tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu úy hiện dịch. Khóa 1 mang tên khóa "Phan Bội Châu" và khóa 2 mang tên khóa "Quang Trung" Trường Sỉ quan Việt Nam (19481950) đã được di chuyển lên Đà Lạt và được đổi tên thành Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt theo Nghị định số 143/ND của Thủ Tướng Trần Văn Hữu ký ngày 19 tháng 8 năm 1950 từ khóa 3 là khóa Trần Hưng Đạo cho đến khóa 14 khóa Nhân vị.

Từ khóa 15 trở đi, Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt được đổi tên là Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam do Sắc lệnh số 317/QP ngày 29 tháng 7 năm 1959 và được mang tên là Khóa Lê Lợi. Riêng Khóa 22 được chia làm hai: 22A và 22B cùng nhập trường vào ngày 6 tháng 12 năm 1965 với tổng số 276 sinh viên nhưng khóa 22A mãn khóa năm 1967 với 176 Thiếu úy, số còn lại 100 sinh viên được chuyển qua K22B để học chương trình hệ 4 năm và ra trường ngày 12 tháng 12 năm 1969 có 92 sinh viên tốt nghiệp với văn bằng Kỹ sư Bách khoa. Đây là khóa đầu tiên tốt nghiệp theo chương trình văn hóa 4 năm. Tiếp đó, các SVSQ/khóa 23 và 24 tốt nghiệp với văn bằng kỹ sư. Kể từ khóa 25, 26 và 27, sinh viên tốt nghiệp được cấp văn bằng cử nhân Khoa học Ứng dụng. Riêng SVSQ/khóa 28,29,30,31 chịu hậu quả lớn nhất do sự sụp đổ của Miền Nam qua cuộc xâm lăng của Cọng sản Bắc Việt. Khóa 28 vào trường ngày 24 tháng 12 năm 1971 và phải mãn khóa trước thời hạn chương trình văn hóa 4 năm vì tình hình lâm nguy của đất nước. Khóa 29 vào trường ngày 29 tháng 12 năm 1972 và mãn khóa cùng ngày với khóa 28 (21 tháng 4 năm 1975). Còn khóa 30 và riêng khóa 31 vừa mới hoàn tất giai đoạn Tân khóa sinh thì tất cả Miền Nam của chúng ta phải đắm chìm trong tháng tư đen nghiệt ngã của ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Công cuộc vận động để văn bằng" Kỹ sư" và "Cử nhân" của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam được các Viện Đại học quốc gia công nhận.

Kể từ khi khóa 22B (làm lễ tốt nghiệp ngày12121969) với văn bằng tốt nghiệp có ghi rõ hàng chữ: " Văn bằng này có giá trị tương đương với văn bằng Kỹ sư tốt nghiệp Trường Cao Đẳng Kỹ Thuật dân chính", do Tổng Trưởng Quốc Phòng ấn ký, chiếu theo Nghị Định số 2349/NĐ/QP ký ngày 13.12.1966 và Nghị Định số 855/NĐ/QP ngày 27121967 (ấn định quy chế và giá trị văn bằng tốt nghiệp Trường VBQGVN), cho đến khi những SVSQ tốt nghiệp từ khóa 25, 26, 27 với văn bằng ghi rõ: " Văn bằng Cử nhân Khoa học Ứng dụng" (theo Nghị Định số 663ND/ QP do Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm ký ngày 31.7.1973) thì đoạn đường trải qua quả thật không dễ dàng.

Khi khóa 22B bắt đầu chương trình văn hóa năm thứ tư (từ tháng 3 đến giữa tháng 12.1969), chúng tôi có ba Giáo sư dân sự đang dạy học tại một số trường Đại học Quốc Gia Saigòn, Huế, Đà Lạt nhận được quyết định của Bộ Quốc Phòng điều qua giảng dạy tại TVBQGVN kể từ đầu tháng 10.1968 với lương bổng và ngạch trật theo quy định của một trường đại học quốc gia. Đồng thời, chúng tôi cũng hưởng được phụ cấp giảng dạy và phụ cấp nghiên cứu như giáo sư đoàn của các trường đại học khác. Đó là Giáo sư Từ Võ Hào (tốt nghiệp kỹ sư điện tại Canada), G/S Bùi Đình Rị (Cao học Vật lý Nguyên tử, Đại học Khoa học Saigòn) và cá nhân tôi (Cao học Sử học, Đại học Văn khoa Saigòn).

Chúng tôi bắt đầu công tác biên soạn giảng khóa để chuẩn bị cho chương trình năm thứ tư trong địa hạt chuyên môn của mỗi người. SVSQ/K 22B hoàn tất chương trình học văn hóa năm thứ tư được cấp văn bằng kỹ sư đầu tiên của Trường VBQGVN và mở đầu cho các chương trình Cử nhân của các khóa kế tiếp.

• Phải nói Thiếu tướng Lâm Quang Thi là người có công đầu trong cuộc vận động hết sức khó khăn, tế nhị này và Hải Quân Đại tá Nguyễn Vân, Văn hóa vụ trưởng vào giai đoạn đó cũng là người góp phần không nhỏ để đạt được thành quả tốt đẹp cho chương trình văn hóa 4 năm của TVBQGVN. Không phải vị viện trưởng đại học nào cũng có cảm tình với trường Võ Bị vì đa số họ được đào tạo, tốt nghiệp tại Pháp và các quốc gia Âu Châu, trong khi chương trình học và thi cử của Trường VBQGVN thì hoàn toàn áp dụng hệ thống tín chỉ (credit system) như trường Võ Bị West Point, Hoa kỳ.

Để có đầy đủ dữ kiện cho vấn đề này, anh Võ Nhẫn (hiện là Tổng hội trưởng TH/CSVSQTVBQGVN/ Hải ngoại) đã yêu cầu anh Trần Mộng Di phối hợp với cá nhân tôi thực hiện một cuộc găp gỡ Tưóng Lâm Quang Thi hiện ở Fremont vào ngày 16.9.2013 tại tư gia từ 10 giờ sáng đến 1 giờ chiều.

Nội dung cuộc nói chuyên xoay quanh công cuộc vận động của cá nhân Tướng Thi với các vị viện trưởng các trường đại học để được các viện đại học dân sự công nhận văn bằng Kỹ sư Bách khoa (Khóa 22B, 23, và 24) và Cử nhân Khoa học Ứng dụng (từ Khóa 25...) của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam.

Tướng Lâm Quang Thi, sinh năm 1932 trong một gia đình giàu có và có học thức ở Bạc Liêu. Vào cuối tháng 5 năm 1968 sau vụ Tết Mậu Thân, Thiếu tướng Lâm Quang Thi rời Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 9 lên Đà Lạt đảm nhận chức vụ chỉ huy trưởng Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Bấy giờ, Tướng Thi đã có bằng cử nhân văn chương Pháp.

1/ Tướng Thi tâm sự, "Đối với tôi, niềm mong ước là đuợc chỉ huy một trường Võ Bị hơn là đảm nhận trọng trách của một Quân đoàn". Đà Lạt là một vùng đất tuyệt vời để sống và là nơi ông mong muốn cùng gia đình trải qua những giây phút êm đềm trên thành phố nghỉ mát thơ mộng này sau hơn 3 năm chiến trận liên miên ở vùng Châu thổ sông Cửu Long. Thứ đến, ông nghĩ là mình sẽ góp công vào việc đào tạo tầng lớp lãnh đạo tương lai cho quân đội và kể cả cho quốc gia nữa. Sau cùng, theo ông nghĩ,Trường Võ Bị vào thời điểm ấy sắp chuyển từ chương trình 2 năm qua 4 năm, bao gồm luôn cả học trình văn hóa rất nặng nề và chính ông cảm thấy thích thú được nhận lãnh trách nhiệm thưc hiện chương trình quan yếu này.

2/ Khi được hỏi trọng tâm của giai đoạn ông nhận lãnh trách nhiệm trực tiếp điều hành Trường Võ Bị này là đẩy mạnh và phát triển chương trình văn hóa 4 năm, liệu cơ sở ở đây có khả năng đáp ứng nhu cầu học tập đầy đủ cho sinh viên, nhất là thư viện và các phòng thí nghiệm hay không?

Tưóng Thi cho biết, Trường Võ Bị này đã hoàn toàn thay đổi. Khu doanh trại cũ của trường Võ Bị Liên Quân nay dùng cho mục đích khác. Một trường sở mới đã được dựng lên vào cuối thập niên 1950 dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Ngôi trường này chiếm lĩnh cả ngọn đồi 1515, phía Đông Bắc của cơ sở cũ. Theo kế hoạch ban đầu gồm 4 doanh trại 3 tầng lầu dành cho SVSQ, một phạn xá và những phòng học được xây dựng chung quanh khu sân trong nơi mà các sinh viên thường xếp hàng ngay ngắn đến phạn xá mỗi ngày. Một tòa nhà 2 tầng dùng làm văn phòng cho bộ tham mưu và các phân khoa được xây trên khu đất cao kế cận. Ở chính làm văn phòng cho bộ tham mưu và các phân khoa được xây trên khu đất cao kế cận. Ở chính giữa tòa nhà này là một kiến trúc hình tròn dùng cho việc tiếp tân và triển lãm. Về sau, theo lời Tướng Thi, ông đã di chuyển văn phòng chỉ huy trưởng vào khu nhà tròn này, nơi có thể nhìn xuống thung lũng và rừng thông rất thơ mộng. Khu tiếp tân và trưng bày này được chuyễn đến tòa nhà dành cho văn hóa vụ, kế cận thư viện. Đằng trước tòa nhà của bộ chỉ huy là vũ đình trường Lê Lợi nơi mà lễ tốt nghiệp hàng năm thường diễn ra.

Tướng Thi tâm sự tiếp, khi ông đến trọng nhậm ngôi trường này thì kế hoạch phát triển đã thực hiện được nửa đoạn đường với sự giúp đỡ của Hoa kỳ để chuẩn bị cho chương trình giáo dục SVSQ hệ 4 năm. Một công ty xây cất của Mỹ, theo chương trình viện trợ quân sự đang hoàn tất giai đoạn của một phòng thí nghiệm "Nặng" bao gồm một khu tác xạ ngầm dưới đất (underground firing range), một tòa nhà 2 tầng lầu và một khu giải khát. Chẳng bao lâu sau, phòng thí nghiệm đã nhận được trang thiết bị kỹ thuật cơ khí, điện và dân dụng rất tối tân, phần lớn đến từ trường Võ Bị West Point của Hoa Kỳ. Thư viện cũng nhận được hàng ngàn cuốn sách về các ngành học từ các trường đại học Mỹ. Chính chương trình viện trợ quân sự của Hoa Kỳ cũng đã cử đến trường một chuyên gia về ngành thư viện để huấn luyện chuyên môn cho nhân viên phục vụ tại thư viện của nhà trường.

3/ Giá trị văn bằng của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam và cuộc vận động của Tướng Lâm quang Thi: Khi được hỏi về vấn đề này, đôi mắt của Tướng Thi như sáng lên môt niềm hãnh diện. Ông cho biết, để nâng ngôi trường này lên một tầm mức quốc tế, chính phủ Hoa Ký đã gửi đến nhà trường một cố vấn đoàn gồm 6 người, đứng đầu là Đại tá Wyrough đã tốt nghiệp trường Võ Bị West Point và đã phụ tá cho Tướng Creighton Abrams, Tư lệnh phó, quân đội Mỹ ở Việt Nam. Cố vấn đoàn này gồm 1 sĩ quan lục quân với học vị tiến sĩ ngành kỹ sư dân dụng, một sĩ quan không quân tiến sĩ khoa học xã hội. Họ giúp đỡ cho quý vị giáo sư đoàn biên soạn các giảng khóa cho chương trình 4 năm và sắp đặt thiết bị nặng cho phòng thí nghiệm vừa mới hoàn thành. Theo học trình (curriculum) mới này, thời biểu của SVSQ chia ra 2 giai đoạn, mùa văn hóa và mùa quân sự.

Tướng Thi cho biết ông là người rất nhiệt thành ủng hộ cho chương trình học 4 năm. Nhưng ông xác nhận là có rất nhiều vấn đề phức tạp, tế nhị cần được giải quyết liên hệ đến 4 lãnh vực: Cơ sở trường ốc, điều kiện tuyển chọn sinh viên, chương trình học và giảng huấn đoàn. * Cơ sở trường ốc (Facilities) là một ngôi trường chiếm lĩnh cả một ngọn đồi 1515 với nhiều ngôi nhà 2, 3 tầng đồ sộ, nhất là các phòng học rất khang trang, sáng sủa với mỗi lớp chỉ có từ 16 đến 20 sinh viên, Trường rất hãûnh diện có được một phòng thí nghiệm nặng về cơ khí tốt nhất nước và một thư viện rất khang trang, đầy đủ các loại sách, báo… * Điều kiện tuyển chọn sinh viên (student selection): Muốn được dự thi nhập học Trường VBQGVN, sinh viên phải có tối thiểu là văn bằng Tú tài 2 ban B hay ban A hoặc một văn bằng ngoại quốc tương đương, độc thân, có sức khỏe tốt, tuổi từ 18 đến 20, cao từ 1m60 trở lên. Riêng điều kiện văn bằng Tú tài 2 là điều kiện bắt buộc chung để tất cả các học sinh tốt nghiệp bước chân vào các trường Đại học Quốc gia.

* Chương trình học (Curriculum): kéo dài 4 năm được sắp đủ để lấy một học vị thuộc ngành kỹ sư bách khoa hay văn bằng cử nhân khoa học ứng dụng. Hệ thống tín chỉ (credit system) theo đường lối giáo dục hiện nay của Hoa Kỳ, được Tướng Thi cho áp dụng triệt để trong công cuộc cải cách giáo dục của Việt Nam vào thời đó. Trong khi đó đa số các trường Đại học dân sự đều theo lề lối học và thi cử theo cách của người Pháp. Hệ thống tín chỉ này là một lợi thế để Tướng Thi mặc cả với ủy ban công nhận văn bằng ( The Accreditation Committee) của liên Tướng Thi mặc cả với ủy ban công nhận văn bằng ( The Accreditation Committee) của liên viện đại học Quốc Gia.

* Giảng huấn đoàn (Teaching Staff): Tướng Thi xác nhận nhà trường quả thực đã thiếu cả lượng (quantity) và phẩm (quality) trong thành phần giáo sư đoàn của Trường. Số giáo sư có văn bằng cử nhân thì tương đối nhiều, nhưng cao học và tiến sĩ thì lại rất ít. Để giải quyết vấn đề này, Tướng Thi đã đề nghị Bộ Quốc Phòng và Bộâ Tổng tham mưu tăng phái 100 sĩ quan trừ bị có văn bằng cử nhân trở lên về Trường và ông cũng đề nghị Bộ TTM gởi các sĩ quan hiện dịch gồm cả SVSQ vừa tốt nghiệp chương trình 4 năm sang Hoa Kỳ để đào tạo thành giáo sư tương lai cho trường. Mặt khác ông cũng đề nghị lên Bộ Quốc Phòng ra thông cáo tuyển dụng các giáo sư dân chính có văn bằng từ cao học trở lên đang giảng dạy tại các trường đại học quốc gia tham gia vào giảng huấn đoàn của Trường vì năm thứ tư (19681969) của khóa 22B sắp khai giảng. G/S Bùi Đình Rị, G/S Từ Võ Hào, và G/S Lê Đình Cai là 3 giáo sư dân sự nhận được quyết định bổ nhiệm của tổng trưởng quốc phòng vào tháng 10.1968 theo đề nghị này.

4/ Sự chống đối công nhận văn bằng của Trường VBQGVN từ các đại học dân sự: Nội bộ của các trường đại học như Saigòn, Huế, Cần Thơ, Đà Lạt...vẫn có sự chống đối ngấm ngầm giữa các giáo sư tốt nghiệp từ Pháp hay Âu Châu với các giáo sư tốt nghiệp từ các đại học Hoa Kỳ, Canada hay Úc đại lợi. Việc dành cho được một chân trong giảng huấn đoàn của các trường đại học không phải là dễ dù đã đổ đạt các học vị cao học hay tiến sĩ. Các đại học bấy giờ, đa số giới chức lãnh đạo đều tốt nghiệp từ Pháp với cách học và thi cử theo lối cổ điển, mang tính từ chương. Trong khi lối học của Hoa kỳ căn cứ theo hệ thống tín chỉ, mang tính thực tiễn và linh động hơn. Khi giảng dạy tại đại học Văn khoa Huế (19711975), tôi được chứng kiến một vị giáo sư thỉnh giảng từ Sai gòn ra dạy, sau đó nộp đơn xin gia nhập giáo sư đoàn chính thức của văn khoa Huế nhưng bị từø chối dù vị đó có học vị Ph.D. về ngành Sử học tại Hoa kỳ, trong khi vị khoa trưởng vào thời đó thì tốt nghiệp tiến sĩ ở Belgique. Tướng Lâm Quang Thi kể lại, dù Thủ Tướng Trần Thiên Khiêm rất ủng hộ việc cấp bằng "Kỹ sư Bách khoa" cho sinh viên tốt nghiệp 4 năm nhưng chính Thủ Tướng cũng gặp phải sự chống đối mạnh mẽ của những vị viện trưởng các trường đại học dân sự.

Để thuyết phục các vị này, Thủ Tướng đề nghị Trường Võ Bị nên mời các vị Viện trưởng của Đại học Saigòn, Huế, Cần Thơ, Đà Lạt và giám đốc trường kỹ sư Phú Thọ lên thăm viếng trường để họ đánh giá chính xác hơn. Trong cuốn sách "The twenty five year Century" (được nhà xuất bản University of North Texas Press ấn hành tại Denton, TX, 2001). Tướng Thi đã nhắc lại sự ủng hộ nhiệt thành của G/S Lê Thanh Minh Châu, Viện trưởng Đại học Huế.

"I knew I would have a hard time selling the Military Academy since, apart from Dr Lê Thanh Minh Châu, President of the University of Hue and holder of a doctorate in English from an American University, the other presidents were trained under the French system. It was common knowledge that there was strong rivalry, even open hostility, between professors educated under the French system and the relatively few Americantrained educators. I was further aware that civilian professors were hostile to the idea of competing degreegranting military institution" (Lam Quang Thi, sđd, tr.223)

Trong buổi đàm đạo sáng hôm đó, Tướng Thi như đang đắm chìm vào hồi ức xa xăm, rồi nhìn anh Trần Mộng Di và tôi, ông nói "Chỉ vài tháng trước đấy thôi, tôi đã từng chiến đấu chống lại sự nổi dậy của Cộng sản ở vùng Châu thổ sông Cửu Long và giờ đây, tôi lại phải tích cực tham gia một cuộc chiến khác mà cá nhân tôi chưa được chuẩn bị kỹ càng: Cuộc chiến giành sự công nhận học vị đại học cho những sĩ quan tương lai se đảm nhận trọng trách lãnh đạo quân đội và lãnh đạo quốc gia".

Quả thật như ông mong đợi, các vị khách trong phái đoàn liên viện đại học đến thăm đã có được những cãm tình thật tốt về Trường Võ Bị. Sau khi được trình bày sơ lược về chương trình học, về việc xây dựng trường ốc… phái đoàn được hướng dẫn đến thăm phòng thí nghiệm nặng, và phái đoàn rất ngạc nhiên khi thấy sinh viên sỉ quan đang thực tập với những trang thiết bị tối tân mà các đại học dân sự không có… Vị giám đốc trưòng kỹ sư Phú Thọ, trong phái đoàn đã xin phép Trường cho họ được gởi sinh viên lên thực tập tại đây hàng năm. Khi đó, Tướng Thi đã nói đùa rằng "Tôi sẽ đón tiếp sinh viên của quý trường miễn rằng quý vị trao tặng học vị kỹ sư cho trường chúng tôi". (LQT, sđd, tr.224)

Khi được hướng dẫn đến thăm các lớp học, phái đoàn thật ngỡ ngàng khi lớp học ở đây thoáng mát, rộng rãi mà chỉ từ 16 đến 20 sinh viên cho mỗi lớp học và sinh viên sĩ quan đang giải các phương trình trên bảng đen dài từ bên này qua bên kia của lớp học. Sau cùng, phái đoàn lại vô cùng ngạc nhiên khi được hướng dẫn thăm thư viện của nhà trường, được xây cất đồ sộ và được quản lý sắp đặt hết sức chuyên nghiệp, rất tiện lợi cho việc tham khảo, nghiên cứu của sinh viên. Tuy nhiên phái đoàn đã nhắc nhở là thư viện không đầy đủ sách tiếng Việt và Tướng Thi hứa là đáp ứng trong thời gian sớm nhất. Trong bữa cơm trưa, phái đoàn đã bày tỏ những cảm nghĩ tốt đẹp của cuộc viếng thăm. Riêng G/S Lê Thanh Minh Châu đã hết lòng ca ngợi, và ông còn cho rằng hệ thống giáo dục tại học viện này (theo hệ thống tín chỉ) là một kiểu mẫu tương lai cho các đại học dân sự Việt Nam mà Trường Võ Bị đã đi tiên phong. Với sự quen biết từ trước với G/S Lê Thanh Minh Châu khi đang giảng dạy tại đại học văn khoa Huế, người viết đã thực hiện một cuộc điện đàm lúc 6 giờ chiều ngày 25.9.2013 và được G/S Châu (hiện cư ngụ ở vùng gần San Diego) xác nhận những lời kể của Tướng Thi là xác thực và G/S cho biết thêm, sau chuyến viếng thăm Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam trở về, giáo sư Châu đã tường trình về Bộ Giáo Dục với lời đề nghị thuận tiện cho việc công nhận văn bằng tương đương mà học viện này cấp phát. Giáo sư cũng nói thêm ông đã cố gắng thực hiện hệ thống tín chỉ (Credit system) cho sinh viên đại học Huế kể từ khi ông đảm nhận chức vụ Viện trưởng.

Thành quả sau cùng đã đạt được là kể từ khóa 22B cho đến khóa 24, SVSQ tốt nghiệp Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam đã nhận lãnh văn bằng Kỹ sư Bách khoa và kể từ khóa 25 trở về sau, khi tốt nghiệp SVSQ được nhận học vị" Cử nhân Khoa học Ứng dụng". Từ ngày thành lập trường đến ngày SVSQ/K 22B nhận văn bằng " Kỹ sư Bách khoa", đoạn đường gian khổ đó kéo dài hơn 20 năm (19481969).

* * *

Cá nhân người viết bài này cũng thường tâm sự với bạn bè rằng mình có nhiều duyên nợ với Trường Võ Bị. Tôi đã nạp đơn thi tuyển vào khóa 18, đã trúng tuyển nhưng mộng ước trở thành SVSQ của ngôi trường lớn nhất Đông Nam Á này đã không thành vì lý do gia đình và sức khỏe. Sáu năm sau, tôi may mắn trở lại trong cương vị thành viên của Giáo sư đoàn Trường Võ Bị này. Tôi sung sướng đã dạy tại các trường đại học dân sự Đà Lạt và Huế khi còn trai trẻ nhưng phải nói rằng được dạy tại Trường VBQGVN là một niềm hãnh diện lớn nhất cho cuộc đời thanh xuân của tôi.

San Jose, những ngày cuối tháng 10, 2013.