Menu


Khóa 20 Nguyễn Công Trứ, TVBQGVN

Hồ Đắc Huân
(VienDongDaily.Com - 02/09/2011)

(Có hiệu đính)

...

A. Tổng quát:

- Theo huấn thị của Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH ngày 18-3-1969 về việc sử dụng cấp hiệu trong QLVNCH. Hình thức cấp hiệu SVSQ thuộc quân trường Lục Quân được xếp theo năm học như sau:

* Alpha:
- SVSQ năm thứ nhất: Alpha
- SVSQ năm thứ hai: Alpha + 1 gạch
- SVSQ năm thứ ba: Alpha + 2 gạch
- SVSQ năm thứ tư: Alpha + 3 gạch
- SVSQ năm thứ năm: Alpha + 4 gạch
- SVSQ năm thứ sáu: Alpha + gạch lớn * Màu sắc, nền cấp hiệu ấn định riêng cho từng loại SVSQ:

Màu sắc:
- Màu đỏ: SVSQ Trường VBQGVN và Trường Hạ Sĩ Quan (hiện dụng).
- Màu đen: SVSQ Trường Bộ Binh, Trường Đại Học CTCT và Trường Hạ Sĩ Quan (hiện dụng).
- Màu huyết dụ: SVSQ Y Khoa (hiện dụng).
- Màu xanh lá cây: SVSQ Dược Khoa.
- Màu tím: SVSQ Nha Khoa.

(Cũng cần biết thêm Trường Hạ Sĩ Quan QLVNCH có 2 màu sắc đỏ và đen vì Quân Trường này ngoài đào tạo HạSĩ Quan. Trách nhiệm đào tạo sĩ quan Hiện Dịch Đặc Biệt và Sĩ Quan Trừ Bị được giao cho các quân trường khác. Nền cấp hiệu màu đỏ dành cho SVSQ Hiện Dịch, màu đen dành cho SVSQ Trừ Bị)

Vì vậy tại trường VBQGVN, cấp hiệu SVSQ Alpha + 3 gạch là tối đa, vì  thời gian theo học của các khoá tại quân trường này cũng chỉ tối đa bốn năm. Riêng SVSQ trường Đại Học Quân Y nếu học thời gian 5 hoặc 6 năm mới mang Alpha + 4 gạch hoặc gạch lớn.

...

B.  Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam

- 1948: Thành lập tại Huế mang tên: Trường Sĩ Quan Việt Nam. Nhiệm vụ: đào luyện cấp tốc Trung Đội Trưởng. Thời gian khoảng 9 tháng. Tốt nghiệp mang cấp Thiếu Úy Hiện Dịch thực thụ. Trường đào tạo được hai Khóa 1 và 2 rồi di chuyển về Đà Lạt.

- 1950: Về Đà Lạt với danh hiệu mới: Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt. Nhiệm vụ: không thay đổi.

- 1959: Cải tổ thành Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Do Nghị Định số 317/QP ngày 29/7/1959. Có quy chế của một trường đại học bậc cao đẳng chuyên nghiệp. Thời gian thụ huấn là 4 năm. Tốt nghiệp mang cấp Thiếu Úy Hiện Dịch thực thụ.

Nhiệm vụ:
1. Cung cấp cho Hải, Lục, Không Quân QLVNCH các Thiếu Úy có căn bản quân sự vững chắc.
2. Đào tạo cho Quốc Gia những chuyên viên cơ khí, điện tử và công chánh.

- 1961: Tháng 2, vì tình trạng khẩn trương của đất nước, thời gian thụ huấn rút lại còn 2 năm. Nhiệm vụ: Đào tạo sĩ quan hiện dịch cho QLVNCH.

1. Có trình độ quân sự vững chắc.
2. Có trình độ văn hóa căn bản Đại Học.
3. Có đầy đủ đức tính và khả năng lãnh đạo.

Kể từ ngày thành lập Trường VBQGVN (1948 tại Huế) cho đến ngày bị bức tử (30-4-1975 tại Thủ Đức), Trường đã đào tạo được 31 Khóa (Khóa 30, 31 mới nhập học thời gian ngắn). 29 Khóa ra trường ước chừng 6.237 Sĩ Quan Hiện Dịch. Ngoài ra Trường còn đào tạo ba Khóa Sĩ Quan Trừ Bị: Khóa Đống Đa, Cương Quyết 2, và Vì Dân với khoảng 614 Sĩ Quan Trừ Bị.

Trường VBQGVN đã sản sinh được 62 sĩ quan cấp Tướng gồm: 19 Trung Tướng, 18 Thiếu Tướng, 17 Chuẩn Tướng, 5 Chuẩn Tướng truy thăng, 1 Chuẩn Tướng Cảnh Sát Quốc Gia và 2 Chuẩn Tướng thuộc ngạch Trừ Bị: 1 Chuẩn Tướng Khóa Cương Quyết 2 và 1 Chuẩn Tướng truy thăng thuộc Khóa Đống Đa.

Đến đầu 1975, hàng sĩ quan cấp Tá, xuất thân từ truờng VBQGVN, đã có nhiều ngàn người. Họ đã nắm giữ phần lớn chức vụ quan trọng trong Quân Lực cùng các ngành Hành Pháp, Lập Pháp và Tư Pháp.

C.  Khóa 20 Nguyễn Công Trứ, Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam (qua chiều dài 48 năm)

1. Thông báo tuyển sinh: Khoảng tháng 8-1963, Trường VBQGVN ra thông báo sẽ thâu nhận 400 SVSQ Hiện Dịch Khóa 20. Điều kiện nhập học miễn thi văn hóa cho những thanh niên có bằng Tú Tài II (Việt hay Pháp) các Ban sau đây:

- Việt: các Ban A, B, Kỹ Thuật.
- Pháp: Tèchnique, Math-Elém, Science Exp.

Không thu nhận thí sinh có bằng Tú Tài I hay II các ban Văn Chương và Cổ Ngữ. Ngoài ra, thông cáo đề cập tới quyền lợi và SVSQ cam kết không lập gia đình trong thời gian thụ huấn. Đơn xin vượt mức dự tuyển phải qua một kỳ thi.

2. Tuyển sinh: Hết hạn nộp đơn một số thanh niên và cựu quân nhân đủ điều kiện miễn thi. Hàng ngàn thanh niên còn lại phải qua kỳ thi để tuyển chọn đủ số. Các thí sinh được thu nhận sẽ do các vùng chiến thuật gọi lập thủ tục và hướng dẫn trình diện Trường Võ Bị Quốc Gia tại Đà Lạt.

3. Ngày vào quân trường: Tháng 12-1963, 425 tuyển sinh ở độ tuổi lúc bấy giờ:

- Trẻ nhất: sinh 1946, 17 tuổi nay đã 65 tuổi.
- Trung bình: sinh 1942, 21 tuổi nay đã 69 tuổi.
- Lớn nhất: sinh 1939, 24 tuổi nay đã 72 tuổi.

Khi họ chạm chân ở phi trường Liên Khương, ga xe lửa Đà Lạt hay đến cổng trường Võ Bị với nhiều toán thời gian có khác nhau được Khóa 19 đàn anh đón tiếp thật nồng nhiệt. Về tới quân trường, Ban Quân Nhạc trỗi nhạc chào đón. Tân khóa sinh được SVSQ đàn anh hướng dẫn về doanh trại. Sau đó được huấn luyện ngay sau buổi tiếp đón tại cổng trường. Tân khóa sinh tập họp rồi chương trình huấn nhục bắt đầu chạy, nhảy, bò, hít đất làm cho người mệt nhừ, mồ hôi chảy ướt, loang lổ quần áo.

Sau trận huấn nhục được cắt tóc, đi tắm, dùng cơm trưa với bát cơm đầu tiên trong đời lính, rồi khởi đầu, phân chia tân khóa sinh về các Trung Đội, Đại Đội, Tiểu Đoàn để nhận chỗ ở, vệ sinh giường tủ, nhận lãnh quân trang, vũ khí. (Cần biết Khóa 20 gồm 425 tân khóa sinh được phân chia về hai Tiểu Đoàn 1 và 2. Tiểu Đoàn 1 có 4 Đại Đội ABCD, Tiểu Đoàn 2 có 4 Đại Đội EFGH. Mỗi Đại Đội chia thành 3 Trung Đội).

4. Chương trình huấn luyện: Từ 1961, với sự xâm nhập rồi áp lực gây chiến của Cộng Sản Bắc Việt tại Miền Nam mỗi ngày gia tăng, chương trình huấn luyện thay vì 4 năm được rút ngắn lại 2 năm. Phần Quân Sự và Đạo Đức vẫn giữ nguyên chương trình 4 năm.

Về Văn Hóa rút ngắn, bỏ phần Kỹ Thuật Chuyên Môn. Giữ lại những đề tài liên hệ Toán, Lý, Hóa, Khoa Học Nhân Văn giúp cho người sĩ quan sau này có kiến thức tổng quát tương đương với chứng chỉ thứ I của Ban Cử Nhân Khoa Học.

Ngoài chương trình huấn luyện về Quân Sự, Văn Hóa, các SVSQ còn học về các môn: Lái xe, Võ thuật, Khiêu vũ, và Phi ngựa..

5. Tám tuần sơ khởi: Tám tuần sơ khởi là chặng đường thử thách gay go nhất cho một dân chính dấn thân vào binh nghiệp. Mục đích giúp Tân khóa sinh loại bỏ những nết xấu mang nặng bản chất cá biệt, hòa mình vào đời sống tập thể quân đội, để giúp họ rèn luyện về tinh thần, thể xác, chịu đựng mọi gian khổ.

6. Hình phạt dạ chiến: Thời gian thụ huấn, các SVSQ bị các lầm lỗi sẽ trải qua những đêm trình diện dạ chiến chiếu theo giấy phạt 1, 2 hoặc 3 đêm trình diện sĩ quan đặc trách việc thi hành lệnh phạt trọn quyền đặt để các hình phạt như: thay các loại quân phục, chạy quanh Vũ Đình Trường bao nhiêu vòng, ba lô với đủ quân dụng ấn định, v.v... Tất cả diễn tiến đều quy định thời gian và khoảng cách từ phòng ngủ SVSQ đến phòng thi hành hình phạt (Sau lần phạt, Tân khóa sinh thường ngất xỉu).

Có phạt lại có thưởng: trường hợp các SVSQ có kết quả tốt trong học tập được sĩ quan cán bộ, Giáo Sư hoặc Huấn Luyện Viên tưởng thưởng. Những lần trình diện dạ chiến, người thọ phạt mang giấy thưởng trình ra sẽ được ghi trừ những lần phạt tương ứng và khỏi thọ phạt.

7. Chinh phục đỉnh Lâm Viên: Người tân khóa sinh Khóa 20 chịu đựng rất nhiều cực nhọc để vượt qua chương trình 8 tuần sơ khởi. Theo truyền thống Quân Trường, trước khi gắn Alpha để trở thành SVSQ, các tân khóa sinh phải chinh phục đỉnh núi Lâm Viên là đỉnh núi cao nhất thuộc vùng phụ cận thành phố Đà Lạt.

8. Lễ gắn Alpha: Vui thú nhất của các Tân khóa sinh Khóa 20 là lễ gắn Alpha. Sau lần chinh phục Lâm Viên, một buổi lễ thật trang nghiêm được cử hành trong đêm tối tại Vũ Đình Trường. Vị Chỉ Huy Trường chính thức nhìn nhận là sinh viên sĩ quan (SVSQ) năm thứ nhất. Họ được trình diện trước Quốc và Quân Kỳ, nhận cấp hiệu Alpha do Khóa đàn anh 19 trao gắn. Trong lễ, các SVSQ long trọng dâng lời thề trước bàn thờ Tổ Quốc:  “Tôi lấy danh dự thề rằng: không bao giờ ăn gian nói dối và ăn cắp, không bao giờ để cho bạn đồng đội của chúng tôi phạm những lỗi trên mà không bị trừng phạt”.

Ngay cuối tuần, các SVSQ được dạo phố Đà Lạt, được đón tiếp người thân nhất cùng người yêu. Mối tình của các chàng SVSQ và nữ sinh Đà Lạt cũng bắt đầu nảy nở từ đây. (Trong số nữ sinh có một số về sau trở thành con dâu Võ Bị).

9. Hệ thống tự chỉ huy: Nhằm tập luyện cho các SVSQ có kinh nghiệm chỉ huy. Các SVSQ tổ chức thành Liên Đoàn gồm hai Tiểu Đoàn I và II. Mỗi Tiểu Đoàn có 4 Đại Đội. SVSQ cao nhất lãnh nhiệm vụ chỉ huy SVSQ đàn em.

Thành lập hệ thống tự chỉ huy nhằm mục đích: Giúp cho SVSQ phát triển nghệ thuật chỉ huy và ý thức tinh thần trách nhiệm. Thấu hiểu được bổn phận nặng nề của một sĩ quan chỉ huy trong tương lai. Cán bộ chỉ huy thực hiện phương châm “Tự Thắng Để Chỉ Huy”.

Thành phần trong hệ thống tự chỉ huy gồm:
- SVSQ Cán Bộ Liên Đoàn Trưởng.
- Ban Tham Mưu Liên Đoàn.
- 2 SVSQ Cán Bộ Tiểu Đoàn Trưởng.
- Ban Tham Mưu Tiểu Đoàn.
- 8 SVSQ Cán Bộ Đại Đội Trưởng.
- SVSQ Tham Mưu Đại Đội.
- SVSQ Cán Bộ Trung Đội Trưởng.
- SVSQ Cán Bộ Tiểu Đội Trưởng.

Để thể hiện chức vụ của Sinh Viên Cán Bộ trong hệ thống tự chỉ huy giúp cho việc ra lệnh và SVSQ thi hành lệnh dễ dàng. Các SVSQ Cán Bộ được nhà trường quy định cấp hiệu từng chức vụ trong việc tự chỉ huy đeo nơi cổ áo của các loại quân phục trong thời gian tại chức.

10. Tham dự Lễ Diễn Binh Quốc Khánh 1964: ngày lễ Quốc Khánh 1-11-1964 được tổ chức thật long trọng có phần diễn binh tại thủ đô Sàigòn. Một Tiểu Đoàn thuộc Khóa 20 đại diện Trường VBQGVN tham gia cuộc diễn binh.

Tiểu Đoàn SVSQ trong quân phục đại lễ mùa hè trông thật đẹp. Các cSVSQ thuoôc Hệ Thống Tự Chỉ Huy mang kiếm đi đầu cùng các SVSQ Thủ Quốc và Quân Kỳ. Các Đại Đội xếp thành 10 hàng dọc với vũ khí sáng choang, giày đen bóng loáng, qua từng gương mặt rạng rỡ, bước đi thật đều. Hai bên lộ trình đoàn quân rập bước diễn hành, nhiều trăm ngàn đồng bào nghênh đón trầm trồ khen ngợi, trong đó có nhiều nữ sinh, sinh viên dán mắt nhìn theo trìu mến. Khi các chàng trai Võ Bị ngang qua các khán đài qua lời xướng ngôn viên giới thiệu thành tích lẫy lừng của Trường VBQGVN, các tràng pháo tay vang dội liên hồi làm át hẳn tiếng động cơ của các Phi Đoàn phản lực vừa biểu diễn ngang qua trên không phận khán đài.

Hiện nay nơi hải ngoại thỉnh thoảng xuất hiện trên màn hình những thước phim một thời oai hùng ấy. Trong phim còn ghi lại trong cuộc diễn binh này có Tiểu Đoàn nữ SVSQ Trường Nữ Quân Nhân hùng dũng với những bước đi tuyệt đẹp, thi thố cùng các chàng trai Võ Bị uy nghi Khóa 20.

11. Khóa 20 với 5 vị chỉ huy trưởng trường: khóa 20 thụ huấn vào thời điểm 1963-1965 với bao biến đổi thăng trầm của đất nước: đảo chánh, cách mạng, chỉnh lý, biểu dương lực lượng, hiến chương, xuống đường... Thêm vào đó cuộc chiến bảo vệ đất nước chống Cộng Sản Bắc Việt xâm lăng ngày càng thêm ác liệt. o đó, qua hai năm sống ở trường với năm vị danh Tá, danh Tướng lần lượt thay nhau làm Chỉ Huy Trưởng Trường như sau:

- Đại Tá Trần Ngọc Huyến.
- Thiếu Tướng Trần Tử Oai.
- Đại Tá Trần Văn Trung (về sau Trung Tướng).
- Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Kiểm (về sau Thiếu Tướng).
- Đại Tá Lâm Quang Thơ (về sau Thiếu Tướng).

12. Chuẩn bị Lễ Mãn Khóa: Suốt hai năm đào luyện để các SVSQ trở thành một sĩ quan Đa Hiệu văn võ toàn tài, sắp đến ngày lễ mãn Khóa chính thức, SVSQ được nhà trường chuẩn bị tập dượt diễn hành, tập diễn lại kịch trận Đống Đa và quan trọng là chọn tên cho Khóa.

13. Khóa 20 với tên Nguyễn Công Trứ: theo truyền thống của Trường VBQGVN, mỗi Khóa học trong lễ mãn Khóa, vị lãnh đạo Quốc Gia sẽ long trọng đặt tên Khóa học cho Khóa ấy. Bộ Chỉ Huy nhà trường đã chọn vị võ tướng Nguyễn Công Trứ để trình vị Nguyên Thủ Quốc Gia đặt tên vào ngày mãn Khóa.

* Lược qua tiểu sử Ông Nguyễn Công Trứ (1778-1858):

 Tướng quân Nguyễn Công Trứ (Mậu Tuất 1778 – Mậu Ngọ 1858), danh sĩ đời Tự Đức, tự Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, tự là Hy Văn. Sinh ngày 1-11 Âm lịch năm Mậu Tuất 1778. Quê quán làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Nghệ Tĩnh. Xuất thân trong gia đình khoa bảng. Cụ thân sinh Ngạn Hầu Nguyễn Công Tấn và cụ bà Cảnh Thị con quan nội thị Cảnh Bá Nhạc. Thiếu thời trong cảnh hàn vi ông luôn cố công trau dồi kinh sử để mong thi đỗ làm quan giúp dân, giúp nước. Nhiều lần thi hỏng. Cuối cùng đậu Tú Tài 1813 và đậu Giải Nguyên 1819. Hoạn lộ lắm bước thăng trầm, làm quan nhiều tỉnh, nhiều vùng, có khi lên đến Binh Bộ Thượng Thư nhưng lắm lần bị gièm pha giáng chức. Ông giúp triều đình nhà Nguyễn nhiều cuộc khởi nghĩa lớn (Lê Duy Lương, Nồng Văn Vân, Phan Bá Vành). Làm Doanh Liều Sứ giúp dân khai khẩn đất hoang. Ông mất ngày 7-12-1858 tại chính quán, thọ 81 tuổi, được phong tước Dinh Bình Hầu. Nguyễn Công Trứ để lại nhiều tác phẩm chữ Hán (câu đối, sớ) cũng như chữ Nôm (thơ, phú, câu đối, ca trù…).

Thơ văn Nguyễn Công Trứ phản ảnh khá trung thực sự biến chuyển tâm lý của một nhà Nho cổ điển qua từng giai đoạn đời sống. Các tác phẩm rất hào hùng, ngạo nghễ, biểu lộ bản lĩnh vững, chí khí mạnh, thái độ cầu tiến vươn lên qua bài thơ thất ngôn bát cú có đoạn:

“Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc,
Nợ tang bồng vay trả, trả vay.
Chí làm trai Nam, Bắc, Đông, Tây,
Cho phỉ chí vẫy vùng trong bốn bể…”

14. Chọn đơn vị: Sau kỳ thi cuối Khóa với kết quả tốt nghiệp sĩ quan, trước ngày lễ mãn Khóa, các SVSQ tốt nghiệp được chọn đơn vị. Vào lúc này, chiến trường rất sôi động, nên cần nhiều sĩ quan nơi chiến trường. Hầu hết sĩ quan Khóa 20 được điều động về các đơn vị tác chiến. Việc phân chọn đơn vị được sắp xếp theo thể thức công bằng với sự phân chia theo mỗi toán 15 người với 15 đơn vị. Người đầu toán chọn trước cho đến người cuối cùng. Hai binh chủng Tổng Trừ Bị (Dù, TQLC) được nhiều sĩ quan ưa thích nhưng khó đạt theo ý muốn.

15. Lễ Tưởng Niệm: Vào đêm 19-11-1965, trước ngày mãn Khóa, Khóa 20 tổ chức buổi lễ truy điệu chiến sĩ trận vong tại đài tử sĩ dưới sự chủ tọa của Trung Tướng Phó Chủ Tịch UBHPTƯ, Tổng Ủy Viên Chiến Tranh và Xây Dựng, Ủy Viên Quốc Phòng. Đêm Tưởng Niệm Chiến Sĩ Trận Vong rất trang trọng và cảm động, nhất là lúc tuyên đọc bài Truy Điệu.

Đêm nay gió thổi trên đồi thông đang nổi dậy. Ánh lửa hồng đang mờ tỏ từng hồi. Hãy trở về chứng kiến. Hôm nay đây! Một đoàn trai trên ngưỡng cửa cuộc đời, đang hăm hở theo gót tiền nhân, đem kiếm cung làm sự nghiệp tang bồng, dùng danh dự làm phương châm tự kiểm, để có ngày phụng sự Tổ Quốc thân yêu. Chúng tôi không tìm an lạc dễ dàng. Mà chỉ khát khao gió mưa cùng nguy hiểm. Nhưng rồi cũng có lúc, chí còn mong tiến bước, nhưng sức không kham đoạn đường, chúng tôi cần được dắt dìu.

Chiến sĩ trận vong!
Có linh thiêng hãy chỉ lối đưa đường. Hãy nung nấu tâm can chúng tôi bằng ngọn lửa thiêng truyền thống.
Hãy chứng kiến lời cầu xin của đàn em hậu tiến.

(Trích từ tập Lưu Niệm Khóa 20, 1965)

Sau lễ đặt quân kỳ rũ là phần đại diện các khóa đàn anh đặt vòng hoa tưởng niệm.

16. Lễ Mãn Khóa 20 Nguyễn Công Trứ:

Tại thành phố Đà Lạt. 9 giờ sáng ngày 20-11-1965, khóa 20 Sĩ Quan Hiện Dịch gồm 405 SVSQ tốt nghiệp đã long trọng làm lễ mãn Khóa tại Trường VBQGVN. Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Chủ Tịch UBLĐQG đã chủ tọa buổi lễ cùng với sự hiện diện của Thiếu Tướng Chủ Tịch UBHPTƯ, Trung Tướng Phó Chủ Tịch UBHPTƯ kiêm Tổng Ủy Viên Chiến Tranh và Xây Dựng, Ủy Viên Quốc Phòng, Trung Tướng Cao Văn Viên - Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH, Ngoại Giao Đoàn cùng nhiều Tướng lãnh Việt Nam và Đồng Minh.

Hàng ngàn đồng bào Đà Lạt và thân nhân các SVSQ cùng tề tựu rất đông để chứng kiến buổi lễ long trọng này.

Các SVSQ tốt nghiệp tiến lên vị trí hành lễ. Trung Tướng Ủy Viên Quốc Phòng đọc diễn văn trình diện Khóa 20 lên Trung Tướng Chủ Tọa.

Đại Tá Lâm Quang Thơ, Chỉ Huy Trưởng Trường giới thiệu SVSQ Thủ Khoa Quách Tinh Cần lên Trung Tướng Chủ Tọa. Trung Tướng Chủ Tọa trao kiếm danh dự, văn bằng tốt nghiệp và gắn cấp hiệu Thiếu Úy cho Thủ Khoa. Sĩ Quan Cán Bộ và Giáo Sư nhà trường gắn cấp bậc Thiếu Úy cho các SVSQ cùng Khóa 20.

Tân Thiếu Úy Quách Tinh Cần, Thủ Khoa Khóa 20, nhận cung tên từ tay Trung Tướng Chủ Tịch UBLĐQG để giương cung bắn bốn mũi tên đi bốn phương trời để tượng trưng cho chí tang bồng hồ thỉ. Trung Tướng Chủ Tịch UBLĐQG đã đặt tên Khóa 20 là Khóa Nguyễn Công Trứ. Các Tân sĩ quan tuyên thệ và đồng ca bài Xuất Quân.

Trung Tướng Chủ Tịch UBLĐQG đọc bài diễn văn, trong đó có đoạn:

“Quân nhân không phải là một cái nghề và Trường Võ Bị không phải chỉ là nơi đào tạo những người chuyên nghiệp giết chóc, hay là nơi gây dựng địa vị sĩ quan cho những cá nhân tìm địa vị. Trái lại phải quan niệm: Võ nghiệp là một lý tưởng! Trường Võ Bị là nơi giúp phương tiện cho những người có lý tưởng tự tạo con người xứng đáng cho mình và cho Tổ Quốc, và sĩ quan là người lãnh đạo mà cũng vừa là một Cán Bộ Xây Dựng Quốc Gia.

Hai năm học tập và cấp bậc thiếu úy mà các anh vừa được mang trên vai, không phải để xây đắp công danh và phúc lợi cho cá nhân và gia đình mà chỉ là phương tiện giúp các anh thực hiện cái Thiên Chức Của Kẻ Sĩ. Quân Đội không được quan niệm là một quân trường, để vinh thân phì gia, mà là đất dụng võ của những người thực sự muốn mang thân xác làm nền tảng xây đắp đất nước.

Các anh phải từ bỏ quan niệm hẹp hòi: Sĩ Quan là những người quân sự thuần túy chỉ biết có mỗi một chuyện cầm binh giết giặc, với tác phong quan liêu trong Quân Đội, ở ngoài dân chúng. Các anh phải gắn liền với dân chúng  trong tình Quân Dân Cá Nước. "

Các Tân Sĩ Quan và các SVSQ Khóa 21 đã diễn hành qua khán đài, trước sự hoan hô nồng nhiệt của quan khách. Các SVSQ Khóa 21 đã biểu diễn cơ bản thao diễn rất ngoạn mục, đã được mọi người cổ võ nồng nhiệt. Kế đến là màn diễn trận Đống Đa truyền thống và kết thúc chương trình buổi lễ tốt nghiệp Khóa 20 Trường VBQGVN bằng một tiệc trà thân mật được tổ chức tại Phạn Điếm SVSQ vào lúc 12 giờ trưa.

17. Tự Thắng Để Chỉ Huy: Trên Quân Kỳ của Trường VBQGVN có câu phương châm: “Tự Thắng Để Chỉ Huy” là kim chỉ nam của các SVSQ được đào tạo từ Quân Trường này.

Trong một bức thư viết tay với ba trang giấy khổ 8 x 10 của Đại Tá Lâm Quang Thơ, vị Chỉ Huy Trưởng Trường sau cùng của Khóa 20 gởi cho toàn thể Sĩ Quan Khóa 20 có đoạn:

“…Sau này, khi rời khỏi Trường VBQG để hòa mình vào đời sống hàng ngày trong Quân Đội cũng như ngoài dân chúng, các bạn sẽ thấy thực tế luôn luôn xấu xa hơn lý tưởng, và các bạn phải là những con người để làm sao cho cái thực tế đó càng ngày càng tốt bằng lý tưởng của các bạn.

Muốn như thế thì cần nhất là cái lý tưởng cao đẹp, cái tâm hồn trong sạch, cái đạo đức tác phong và cả cái căn bản quân sự và văn hóa của các bạn, chẳng những cần phải được duy trì mà còn cần phải được phát triển mạnh mẽ để tự thắng cho các bạn trước và để cảm hóa những kẻ xung quanh các bạn sau. Như thế mới là: Tự Thắng Để Chỉ Huy…”

(Đại Tá Lâm Quang Thơ thăng Thiếu Tướng 19-6-1970. Ngày 14-4-1972 tái nhiệm chức Chỉ Huy Trưởng Trường VNQGVN thay thế chính bào đệ Trung Tướng Lâm Quang Thi cho đến tháng 4-1975. Ông mãn phần năm 1985 tại Hoa Kỳ, hưởng dương 54 tuổi).

18. Thanh Gươm Truyền Thống:

Trường VBQGVN có thực hiện một Thanh Gươm Truyền Thống. Trong Gươm có khắc tên Thủ Khoa của các Khóa. Tên Quách Tinh Cần, Sĩ Quan Thủ Khoa Khóa 20 Nguyễn Công Trứ đã được khắc vào Gươm. Thanh Gươm này là báu vật của Trường VBQGVN nói riêng và của QLVNCH nói chung.

Không rõ tên của Thiếu Úy Hồ Thanh Sơn, Thủ Khoa Khóa 28 Nguyễn Đình Bảo, và Thiếu Úy Đào Công Hương, Thủ Khoa Khóa 29 Hoàng Lê Cường, mãn khóa ngày 21-4-1975 tại Trường Bộ Binh đồn trú ở Long Thành có kịp khắc tên vào chưa? Không rõ Thanh Gươm này hiện lưu lạc nơi đâu?

19. Đủ lông, đủ cánh rời Trường Mẹ bắt đầu phụng sự quốc gia:

Từ những ngỡ ngàng của một thư sinh thay bút mực cùng sách vở học trò bằng súng đạn binh đao, họ binh nghiệp bằng tám tuần sơ khởi lột xác. Súng đạn, mưa nắng thao trường, kỷ luật quân đội... Tất cả mới mẻ quá làm họ đến bỡ ngỡ và cảm thấy khó khăn.

Thế rồi, họ đã vượt qua những khó khăn ban đầu, để lên năm thứ I. Họ đã dạn dĩ với nắng mưa, họ đã học hỏi thêm nhiều. Trong những đêm thao thức nhớ nhung, họ không còn nói bằng giòng nước mắt, mà trả lời bằng sự nhẫn nại, chịu đựng, để chờ đợi thử thách...

Năm thứ hai. Họ đã quen với mưa gió, với khổ cực. Sự dạn dĩ đến chai cứng cả thể xác lẫn linh hồn. Những nét thư sinh không còn đọng trên khóe mắt, nụ cười, gương mặt. Mà họ như già đi, như cứng cỏi hơn lên. Họ chuẩn bị tiếp đón tất cả những gì xảy đến bằng một niềm tin.

Giờ đây họ đã sẵn sàng túi càn khôn, trường Mẹ truyền cho rời khỏi ấp ủ, luyến thương tung mình ra khắp các vùng đất nước phụng sự Quốc Gia.

(Trích từ tập Lưu Niệm Khóa 20, 1965)

20. Hai Khóa Sĩ Quan Đà Lạt nhiều người nhất: Trong 31 Khóa Sĩ Quan xuất thân từ Trường VBQGVN có hai Khóa đông Sĩ Quan tốt nghiệp.

- Khóa 10 Trần Bình Trọng, số lượng tốt nghiệp 442 người. Trong số đó có 400 người là chủ lực quân, còn lại là giáo phái gởi học.

- Khóa 20 Nguyễn Công Trứ, số lượng tốt nghiệp là 405, hoàn toàn chủ lực quân.

21. Học khóa Rừng,Núi, Sình, Lầy tại Trung Tâm Huấn Luyêệ Biệt Động Quân Dục Mỹ, Nha Trang: Không như những khóa đàn anh được gởi học Khóa rừng, núi, sình, lầy khi còn là SVSQ của giai đoạn hai năm thứ hai (chương trình hai năm), Khóa 20 được nhà trường sắp xếp chuyển đến TTHL/BĐQ/QLVNCH (Dục Mỹ) bằng phi cơ quân sự để học khóa trên khi đã là Tân Sĩ Quan. Mục đích học khóa này để các sĩ quan quan sát các địa thế rừng, núi, sình, lầy sát với thực tế chiến trường Việt Nam, biết rõ về mưu sinh thoát hiểm, ôn lại để biết rõ về chiến thuật Việt Cộng, chiến thuật trực thăng vận, tác chiến trong thành phố, phục kích và phản phục kích hầu dễ dàng trong việc ứng xử nơi chiến trường khi chỉ huy bắt đầu từ trung đội.

Sau 42 ngày thụ huấn, mãn Khóa các Thiếu Úy Khóa 20 được về phép 15 ngày (đúng vào dịp Tết Bính Ngọ) trước khi đáo nhậm đơn vị mới.

22. Sĩ Quan đầu tiên Khóa 20 Nguyễn Công Trứ anh dũng hy sinh vì Tổ Quốc: Sau khi đáo nhậm đơn vị khoảng 3 tuần, Thiếu Úy Đỗ Văn Bá sinh ngày 2-6-1942 tại Điện Bàn, Quảng Nam đã anh dũng hy sinh vì Tổ Quốc. Là người trong Khóa 20 được truy thăng cố Trung Úy Hiện Dịch Thực Thụ đầu tiên. Trung Úy Đỗ Văn Bá hưởng dương 24 tuổi khi đền nợ nước.

23. Công thành, danh toại: Những chàng trai Võ Bị Khóa 20 với gần 12 năm trong binh nghiệp. Từ ngày thao luyện nơi quân trường rồi ra chiến trường xông pha trận mạc hiểm nguy, anh em đồng Khóa lấy máu đào tô thắm non sông. Mở đầu là anh hùng Đỗ Văn Bá, nối tiếp theo lần lần đã lên con số khoảng trăm chiến sĩ cùng Khóa đã hy sinh. Từ những sự hy sinh đó, các bạn đồng Khóa còn lại đã đem danh tốt cho Khóa. Tên tuổi của một số bạn thuộc Khóa 20 đã được ghi vào quân sử QLVNCH.

Đến tháng 4-1975, ngoại trừ ít người giải ngũ vì nhiều lý do khi còn mang cấp úy, hầu hết đã thăng cấp thiếu tá. Đặc biệt thăng cấp trung tá có những cựu SVSQ như: Huỳnh Bá An, Nguyễn Thái Bửu, Trương Phúc, Đoàn Minh Phương, Hoàng Mão, Nguyễn Văn Măng, Lại Thế Thiết...

Cùng thời gian trên, họ đã nắm giữ các chức vụ rất quan trọng trong QLVNCH. Đa số là tiểu đoàn trưởng. Một số nắm giữ chức vụ trung đoàn phó, liênđoàn trưởng, trung đoàn trưởng, quận trưởng / chi khu trưởng, và đa số còn lại là những thiếu tá xuất sắc mọi ngành trong các Quân Binh Chủng QLVNCVH.

Một trong những sĩ quan cấp tá thuộc QLVNCH có Đệ Tứ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương và rất nhiều Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu gắn tại mặt trận như Trung Tá Hoàng Mão, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 3, Sư Đoàn 1 Bộ Binh.

24. Vận nước đổi thay: Vận nước đưa đẩy với nhiều nguyên nhân đã làm cho chế độ VNCH sụp đổ từ ngày 30-4-1975 đưa đến toàn thể QLVNCH phải buông súng tức tưởi, trong đó có các chàng trai Võ Bị Khóa 20. Để rồi! Kẻ chạy thoát, người vào tù, đất nước lâm nguy đưa đến mạt vận như ngày nay!

Đến nay, qua 36 năm trôi nổi, nhửng Cựu SVSQ khoá 20  tuy cao tuổi song tinh thần vẫn luôn nêu cao trong tâm khảm mỗi người về Tổ Quốc, Danh Dự, và Trách Nhiệm.

Các chiến hữu Khóa 20 Nguyễn Công Trứ ngày đầu đời binh nghiệp của 48 năm về trước đến sau này không sao quên được hàng ngày những dòng nhạc quân hành trong Võ Bị Hành Khúc của Hoàng Điệp (Khóa 14 Nhân Vị) luôn gieo vào lòng các chiến hữu trong sinh hoạt hàng ngày ở Trường Võ Bị.

“Ta Đoàn Sinh Viên Võ Bị Việt Nam…
Xây đắp non sông Nước Việt sáng tươi…
Gieo khắp đó đây khúc ca thanh bình…”

...

 Nam California, tháng 9-2011

Tài liệu tham khảo:

- Sách Lược Sử QLVNCH
- Huấn Lệnh Điều Hành Căn Bản về Cấp Hiệu, Quân Phục, Quân Kỳ, Lệnh Kỳ và Phù Hiệu của QLVNCH, 1969
- Kỷ Yếu Võ Bị Đà Lạt Hải Ngoại, 1990
- Tập San Đa Hiệu
- Lưu Niệm Khóa 20 (1965)
- Phóng Sự Mãn Khóa 20/NCT (CSCH số 140 15-12-1965).
- Sắc lệnh số 078-77TT/SL 13-3-68
- Kỷ yếu các Khóa: 10, 12, 13, 14, 17, 18 Trường VBQGVN
- Đặc San 42 năm tốt nghiệp Khóa 20, 2007
- Hình ảnh do cựu SVSQ/20 Quách Vĩnh Trường cung cấp.