Menu


Khóa 1 - Phan Bội Châu, TVBQGVN

Khiết Châu Nguyễn-Huy Hùng (K1)

<

Mến chào Quý Đồng môn Trường Võ bị Quốc gia Việt Nam, Tôi không phải là Đại diện Khóa 1 vì không ai bầu cho Tôi, và đặc biệt từ ngày sang định cư tị nạn cộng sản tại Hoa Kỳ vào đầu tháng 8 năm 1992 cho đến nay. Tôi chẳng gặp ai trong số các Bạn đồng khoá, ngoại trừ 3 vị Tướng đang định cư tại hải ngoại là Thiếu Tướng Bùi Đình Đạm tại San Jose, Bắc California, Hoa Kỳ (mới qua đời ngày 30-5- 2009), Trung Tướng Trần Văn Trung tại Paris Pháp và Thiếu Tướng Tôn Thất Xứng tại Montreal Canada. Trong suốt 20 năm qua Tôi thường xuyên liên lạc với Quý Vị này qua điện thoại và thư gửi qua Bưu điện.

Riêng đối với Tướng Trung và Tướng Xứng chúng tôi còn hân hạnh liên lạc và trao đổi với nhau các tin tức bài tham luận chính trị và thơ chống Cộng qua mạng Internet, nhưng từ khoảng một năm nay tinh trạng sức khoẻ của các Tướng Trung và Tướng Xứng suy giảm nên quý vị này không còn liên lạc hàng ngày với Tôi qua Internet nữa.

Theo tin tức của thân hữu từ bên Pháp, Tôi được biết hiện có 1 bạn gốc người miền Trung Việt Nam cùng Khoá 1 với Tôi đang định cư tại Montargis Pháp là anh Đại Tá Nguyễn Khương nguyên thuộc Binh chủng Truyền Tin nhưng sau lại di sang định cư tại Hoa Kỳ không biết ở đâu, và mới đọc được trong cuốn LƯỢC SỬ QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HOÀ, do Đại Tá Trần Ngọc Thống, nguyên Trưởng Phòng Tổng Quản Trị Bộ Tổng Tham Mưu và 2 vị sĩ quan Hồ Đắc Huân, Lê Đình Thụy phối hợp sưu tầm biên soạn và phát hành vào năm 2011 vừa qua tại khu Little Saigon Nam California, thấy tên 2 bạn cùng khoá thuộc trung đội 1 người miền Nam cũng đang định cư tại Tiểu bang Virginia Hoa Kỳ là các Đại Tá Nguyễn Quang Sanh, Nguyễn văn Y, nhưng vì không biết địa chỉ nên chưa hề có cơ hội liên lạc với các anh ấy.

Cuối tháng 12-2012, Tôi nhận được điện thư của Niên Đệ VÕ NHẪN đương kim Tổng hội trưởng Tổng hội cựu Sinh viên Sĩ quan Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam yêu cầu tôi viết bài giới thiệu về Khoá1 để đóng góp vào cuốn Lịch sử Trường Võ bị Quốc gia Việt Nam dự trù sẽ phát hành vào năm 2014.

Do đó Tôi cố gắng tập trung trí nhớ đang trong tuổi già nua trên 80 để viết về những gì mà mọi người muốn biết về Khoá 1, Khoá đầu tiên của Trường Võ Bị Quốc gia Việt Nam được thành lập vào cuối năm 1948 tại Huế sau khi Quốc gia Việt Nam giành đuợc Độc Lập sau hơn 80 năm dưới sự đô hộ của Thực dân Pháp.

Những điều Tôi trình bầy nếu có Bạn nào thuộc Khoá 1 đọc được thấy có điều gì thiếu sót thì xin vui lòng bổ túc giúp, Tôi chân thành đa tạ.

1. Nguyên nhân Trường Sĩ Quan Việt Nam được Thành Lập (Tiền thân của trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam)

Sau khi quân Phiệt Nhật đầu hàng vào ngày 15 tháng 8 năm 1945, Liên Hiệp Quốc cử các lực lượng quân sự của Trung Hoa Dân Quốc và Anh Quốc vào lãnh thổ Đông Dương để giải giới quân Nhật và tiếp giúp cho các Dân tộc bản Xứ (Annam, Lào, Cao Miên) tái lập Quốc gia độc lập thoát khỏi ách đô hộ của Pháp.

Trên lãnh thổ Việt Nam, các Đoàn thể chính trị Quốc gia không theo cộng sản hòa hợp với nhóm Việt Minh cộng sản của Hồ Chí Minh để thành lập chính phủ Liên Hiệp điều hành đất nước. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh với tư cách Chủ tịch Chính phủ Liên Hiệp đại diện đứng ra tuyên bố NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA ĐỘC LẬP không còn lệ thuộc vào Pháp nữa.

Nhưng đến ngày 6 tháng 3 năm 1946, Hồ Chí Minh lại lợi dụng danh nghĩa Chủ Tịch Chính phủ Liên Hiệp phản bội Tổ Quốc Việt Nam bằng cách lén lút ký với Saintenay (Đại diện Pháp) đang sống tại HàNội Bản Hiệp Định Sơ Bộ 6-3-1946 chấp nhận cho Pháp đổ quân lên trấn đóng tại nhiều Thành phố lớn tại miền Trung và miền Bắc Việt Nam kể cả Hà Nội, sau khi Pháp đã chiếm và đóng quân tại các tỉnh thuộc miền Nam Vĩ Tuyến 16 của Việt Nam vào cuối tháng 1 năm 1946.

Đến ngày 19 tháng 5 năm 1946, Hồ Chí Minh và phe Việt Minh của hắn chính thức đón tiếp quân Pháp đổ bộ lên thành phố cảng Hải Phòng và tiến lên Hà Nội bằng đuờng bộ.

Sau hơn 7 tháng quân Pháp được công khai an toàn đóng quân và củng cố vị trí an ninh ngay giữa các thành phố lớn, nhiều điều xích mích đã xẩy ra về chia chác quyền hành cai trị giữa Việt Minh và Pháp ngay trong các thành phố đã không được giải quyết ổn thoả, nên tối ngày 19 tháng 12 năm 1946 Hồ Chí Minh và phe nhóm Việt Minh đã phát động cuộc “tổng tấn công” các điạ điểm trú quân của quân Pháp tại tất cả các thành phố đang có quân Pháp trú đóng. Nhưng rất tiếc vì trang bị vũ khí thô sơ tổ chức quân chưa hoàn chỉnh nên Việt Minh đã bị thua phải bỏ các thành thị rút vào “bưng” để tiếp tục tiêu thổ kháng chiến. Quân Pháp toàn thắng, bắt đầu tái dụng các Quan lại thời đô hộ cũ và nhóm con lai Pháp lập hệ thống Hành chánh cai trị giúp dân chúng tái tạo cuộc sống bình thường tại các Đô thị. Chiến tranh tiếp tục lan tràn qua các tỉnh kế cận Hà Nội đến các vùng nông thôn, dân chúng phải sống giữa 2 gọng kềm VIỆT MINH và PHÁP vô cùng thảm thương bi đát.

Trước hoàn cảnh đó, các Nhân sĩ Việt Nam thương nước yêu nòi và thành viên các đảng phái Quốc gia Không cộng sản thoát chết sau vụ Việt Minh phản bội tàn sát hồi đầu năm 1946 đã ngồi lại với nhau tìm giải pháp ôn hòa giành lại Độc lập cho đất nước mà không phải phung phí xương máu của Dân tộc vì chiến tranh, đã đi đến kết luận vận động mời Cựu Hoàng Bảo Đại đang lưu vong tại Hồng Kông đứng ra thương thuyết với Chính phủ Pháp để tái dựng QUỐC GIA VIỆT NAM ĐỘC LẬP THỐNG NHẤT cả 3 miền trong KHỐI LIÊN HIỆP PHÁP.

Ngày 19 tháng 8 năm 1947, Cựu Hoàng Bảo Đại từ Hồng Kông tuyên bố bằng lòng đứng ra tiếp xúc điều đình với Chính phủ Pháp. Cuộc vận động kéo dài mãi tới ngày 5 tháng 6 năm 1948, trên chiếc tầu biển DUGUAY TROUIN neo tại Vịnh HẠ LONG Cựu Hoàng Bảo Đại mới tới để chứng kiến Thiếu Tướng NGUYỄN VĂN XUÂN Thủ Tướng và mấy vị ĐẠI DIỆN CẢ 3 MIỀN BẮC TRUNG NAM thuộc Chính phủ Trung Ương Lâm thời Việt Nam Thống Nhất, cùng Ông BOLLAERT (đại diện Chính phủ Pháp) ký bản HIỆP ƯỚC HẠ LONG công nhận QUỐC GIA VIỆT NAM ĐỘC LẬP THỐNG NHẤT CẢ 3 MIỀN BẮC- TRUNG-NAM trong KHỐI LIÊN HIỆP PHÁP.

Kể từ ngày giờ đó, Cờ Quốc gia Việt Nam mới là Nền Vàng với Ba Sọc Đỏ nằm dài chính giữa (theo hình Quẻ Càn của Bát quái trận đồ), và Quốc Ca là bài “Tiếng gọi công dân” nhạc của Lưu Hữu Phước (nguyên là đoạn 1 của bài “Sinh viên hành khúc” nhưng lời ca được sửa đôi chỗ. Bài “Sinh viên hành khúc” nguyên thủy gồm 3 đoạn đã được các Sinh viên Viện Đại học Hà Nội trình bầy hợp ca lần đầu tiên trong buổi trình diễn văn nghệ ngày 15-3-1942 tại hội trường Viện Đại học để gây quỹ giúp các bệnh nhân nghèo trong các Bệnh viện nơi Sinh viên Y khoa thực tập.) ngày 1-6-1949, việc tổ chức đơn vị và huấn luyện binh sĩ hoàn tất vào khoảng tháng 10-1949 thì toàn thể Tiểu đoàn được tập trung tất cả về Hà-Nội và khởi sự xuất phát đi hành quân tiêu diệt Việt Minh tại các vùng Bắc Ninh, Hoà Bình, Đông Triều, Hưng yên, rồi tiến sang tỉnh Thái Bình trụ quân tại đó ít lâu sau lại di chuyển về Sơn Tây, Hà Đông, Bắc Ninh, Vĩnh Yên).

Một ngày sau khi ký Hiêp Ước Hạ Long tức là ngày 6 tháng 6 năm 1948, Quốc Trưởng BẢO ĐẠI chỉ thị Thiếu Tướng Nguyễn Văn Xuân Thủ Tướng Chính phủ Trung Ương của nước Việt Nam Thống Nhất cả 3 Miền xúc tiến việc thành lập QUÂN ĐỘI QUỐC GIA VIỆT NAM (QĐQGVN), khởi sự bằng việc tổ chức TRƯỜNG SĨ QUAN VIỆT NAM HIỆN DỊCH tại Huế (tiền thân của Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt. Sau này vào thời Đệ Nhất Cộng Hoà tại miền Nam do ông Ngô Đình Diệm làm Tổng Thống, trường lại cải danh thành TRƯỜNG VÕ BỊ QUỐC GIA VIỆT NAM, (có giá trị tương đương với các trường Võ bị Lục quân Saint Cyr của Pháp và West Point của Hoa Kỳ) để đào tạo cấp Chỉ huy trước khi thành lập các ĐƠN VỊ TÁC CHIẾN và CƠ SỞ QUẢN TRỊ YỂM TRỢ TIẾP VẬN HÀNH CHÁNH QUÂN ĐỘI.

Ngày 1 tháng 6 năm 1949, Khóa Sĩ Quan Hiện dịch đầu tiên tốt nghiệp tại Huế được đặt tên là Khoá BẢO ĐẠI cung cấp cho Bộ Quốc Phòng chính phủ Việt Nam 53 THIẾU ÚY hiện dịch.

Đồng thời 4 TIỂU ĐOÀN VIỆT NAM đầu tiên cũng được khởi sự thành lập tại 2 miền Nam và Bắc Việt Nam: -Tiểu đoàn 1 Việt Nam (Bạc Liêu), - Tiểu đoàn 2 Việt Nam (Thái Bình), - Tiểu đoàn 3 Việt Nam (Rạch Giá), - Tiểu đoàn 4 Việt Nam (Hưng Yên).

(Bản thân người viết được cái vinh dự là một trong số 53 Sĩ quan Hiện dịch tốt nghiệp Khoá đầu tiên nêu trên, và được bổ nhiệm về Tiểu đoàn 2 Việt Nam tuyển mộ thành lập tại Hà-Nội và Hải phòng từ ngày 1-6-1949.

Khi việc tổ chức đơn vị và huấn luyện binh sĩ hoàn tất vào khoảng tháng 10-1949 thì toàn thể Tiểu đoàn được tập trung tất cả về Hà-Nội và khởi sự xuất phát đi hành quân tiêu diệt Việt Minh tại các vùng Bắc Ninh, Hoà Bình, Đông Triều, Hưng yên, rồi tiến sang tỉnh Thái Bình trụ quân tại đó ít lâu sau lại di chuyển về Sơn Tây, Hà Đông, Bắc Ninh, Vĩnh Yên).

2. Địa điểm xây dựng Trường Sĩ Quan Việt Nam

Cố Đô Huế tại miền Trung Việt Nam là nơi được lựa chọn để xây dựng cơ sở Trường. Trách nhiệm thực hiện được giao cho Toà Đại Biểu chính phủ tại miền Trung do Ông Phan văn Giáo lãnh đạo phối hợp với Bộ Chỉ huy Lực lượng Việt Binh Đoàn do Đại Úy Nguyễn Ngọc Lễ đang làm Chỉ huy trưởng thực hiện, bằng cách chỉnh trang lại một ngôi biệt thự rộng rãi nằm bên tả ngạn sông Hương của Thị xã Huế, cách cầu Tràng Tiền chừng mấy trăm thước và gần bên Đập Đá trên đường Lê Lợi hướng đi Phú Vang. Người Huế quen gọi tên địa điểm này là Saint Benois.

Khu biệt thự biến thành Trường Sĩ Quan Việt Nam này khá rộng, bề ngang 400 mét và sâu khoảng 200 mét, nằm bên phiá trái đường Lê Lợi sát bên bờ sông Hương đối diện với chợ Đông Ba phía bên kia sông. Suốt mặt tiền sát ngay bên lề phố là một dẫy tường gạch cao 2 mét, ở khoảng giữa có một cổng rộng chừng 8 mét phía trên gắn bảng hiệu hình vòng cung sơn mầu xanh lá cây trên kẻ chữ “ECOLE DES OFFICIERS VIETNAMIENS” mầu vàng. Hông bên trái Trường hướng Tây sát với các nhà dân, được ngăn bằng một hàng rào kẽm gai cao 2 mét đan ô vuông dầy 20 phân từ lề đường phố thẳng tuốt xuống tận bờ sông Hương, và có một cổng phụ cho xe hơi tiếp vận ra vào Trường. Hông bên phải hướng Đông có một dẫy tường đá dầy 40 phân cao hơn 1 mét để ngăn cách với khu biệt thự kế bên cũng rất rộng đang bỏ trống không người ở.

Sau này vào năm 1951, khi đào tạo 2 khoá đầu tiên là Khoá 1 (Bảo Đại) và Khoá 2 (Quang Trung) xong, thì do quyết định của Quốc trưởng Bảo Đại Trường được di chuyển vào Đà Lạt bên cạnh hồ Saint Bennois và cải danh thành Trường Võ Vị Liên Quân Đà Lạt (EMIAD=École Militaire Inter Armes DaLat). Đến thời Đệ Nhất Cộng Hoà Tổng Thống Ngô Đình Diệm lại quyết định cho xây cất cơ sở Trường mới thật lớn gần Hồ Than Thở và cải danh thành Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam.

Sau khi Trường Sĩ Quan Việt Nam bên bờ sông Hương rời về Đà lạt, cơ sở cũ này được phá đi cùng với biệt thự bên cạnh để xây cất Trường Võ bị Địa Phương (École Militaire Régionale) thuộc Quân Khu 2, làm nơi đào tạo các Chuẩn Úy (Aspirant) đáp ứng cho nhu cầu bành trường của Quân đội. Mấy năm sau, Trường Võ bị Địa phương giải tán thì cơ sở này được giao cho Quân Vụ Thị Trấn Huế quản trị dùng làm Câu Lạc Bộ và nhà vãng lai cho Sĩ quan độc thân. Sau trận Việt Cộng tấn công chiếm Huế vào dịp Tết Mậu Thân 1968, Tôi được Tổng Tham Mưu Trưởng Bộ Tổng Tham Mưu chỉ thị dẫn đoàn Tổng thanh tra Quân đội hỗn hợp Việt-Mỹ ra quan sát duyệt xét tình trạng Quân Y Viện nằm trong thành Mang Cá kế bên Bộ Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh (lúc đó do Đại Tá Ngô Quang Trưởng làm Tư Lệnh) nên đã có dịp cư trú trong Câu lạc bộ Sĩ quan này bên cạnh bờ sông Hương.

Địa điểm tọa lạc của Trường rất an ninh vì nằm ngay trong giữa thành phố Huế, và cũng rất thuận lợi vì từ các nơi người ta có thể đến Trường bằng cả 3 loại phương tiện:

- ĐƯỜNG BỘ, dùng xe hơi theo Quốc lộ 1 xuyên Việt Nam, hoặc dùng xe hoả theo tuyến thiết lộ xuyên Việt chạy song song với Quốc lộ 1 nối liền Saigon và Hà Nội;

- ĐƯỜNG HÀNG KHÔNG, dùng máy bay đáp xuống phi trường Phú Bài cách thành phố Huế khoảng vài chục cây số;

- ĐƯỜNG THỦY, dùng tầu thủy cặp bến cảng Đà Nẵng rồi dùng xe hơi chạy theo Quốc lộ 1 băng qua Đèo Hải Vân lên phía Bắc để tới Huế.

3. Hiện trạng các cơ sở Trường tại Huế.

Bước qua ngưỡng cổng chính của Trường vào trong, ngay bên phía trái là một sân tập họp thật rộng có dựng một cột cao treo cờ Quốc gia Việt Nam (cờ nền vàng 3 sọc đỏ).

Tiếp đến ở phần đất bên trái phía sau sân tập họp và cột cờ là một ngôi nhà ngói khoảng 400 mét vuông dùng làm trụ sở của Ban Giám Đốc Trường gồm văn phòng Trung Tá Chaix Chỉ Huy Trưởng, văn phòng Đại Úy Joly Giám đốc Huấn luyện, các văn phòng của các sĩ quan Huấn luyện viên kiêm Trung đội trưởng Khóa sinh, và các Hạ sĩ quan phụ tá (moniteur).

Phía bên phải sân tập họp và cột cờ, ngay từ sau cổng vào là Trạm kiểm soát gồm văn phòng Sĩ quan trực nhật, Phòng Y tế, và nơi ngủ của các lính thuộc Lực lượng Việt Binh Đoàn canh phòng bảo vệ doanh trại.

Kế đến là một dẫy nhà dài khoảng 50 mét rộng 8 mét dùng làm phòng ăn tập thể cho khoá sinh, đồng thời cũng dùng làm Giảng Đường lớn khi phải tập trung toàn Khóa. Bên trong Nhà ăn, ngoài lối đi rộng hơn 1 mét ở chính giữa, suốt chiều dài của nhà có kê 2 dẫy bàn dài bề ngang 1 mét với những dẫy ghế dài không lưng tựa dọc 2 bên để làm bàn ăn, và bàn viết khi cả khoá tập trung nghe thuyết trình hoặc làm bài thi.

Ngay sau lưng Trạm kiểm soát và Nhà ăn tập thể, có 3 dẫy nhà khác nhỏ và ngắn hơn dùng làm phòng học và sinh hoạt riêng cho từng Trung đội Khoá sinh. Bên trong Nhà Học riêng của từng Trung đội Khoá sinh được trang trí y như trong một lớp dành cho các học trò Trung học vậy. Suốt bề dài căn nhà, kê 2 dẫy bàn học trò loại bàn liền ghế cho 2 người ngồi chung. Nơi đầu phòng có một bảng đen lớn và một bàn viết và ghế dành riêng cho Huấn luyện viên đến sinh hoạt với khóa sinh.

Tất cả các dẫy nhà đều lợp mái bằng gốc dạ rất dầy, tường chung quanh là những phên liếp bằng nứa đan. Mỗi nhà chỉ có 2 cửa ra vào tại 2 đầu nhà, dọc hai bên nhà là 2 dẫy cửa sổ rộng có cánh liếp nâng lên hạ xuống được để thông thoáng gió và cho ánh sáng lọt vào nhà những khi không bật đèn.

Phía trong cùng của khu đất, dọc theo bờ sông Hương có 2 dẫy nhà dài nối tiếp nhau dùng làm Nhà Ngủ cho Khoá sinh. Nhà xây tường gạch mái lợp ngói, bề cao từ nền đến nóc khoảng 5 mét không có lớp trần che cản sức nóng từ nóc nhà phà xuống, nên mùa Hè rất nóng và ngược lại mùa Đông rất lạnh. Dẫy phía bên trái được ngăn đôi, một nửa dùng làm kho và phòng ngủ của Thượng Sĩ Nhất Lục Sĩ Mẫn, Hạ sĩ quan phụ trách Thường Vụ (service général) của Trường, còn nửa kia dành làm phòng ngủ chung cho Khoá sinh thuộc Trung đội 1 (người từ miền Nam ra). Dẫy bên phải, nửa bên trái dành cho Khoá sinh thuộc Trung đội 2 (người miền Trung) và nửa bên phải dành cho Khoá sinh thuộc Trung đội 3 là chúng tôi từ miền Bắc vào.

Dọc theo chiều dài Nhà Ngủ, kê 2 dẫy giường cá nhân bằng gỗ có cọc khung gỗ để giăng mùng chống muỗi riêng cho mỗi giường. Giường được kê từng cặp sát bên nhau và một đầu sát tường. Giữa mỗi cặp giường để chừa một khoảng cách 1 mét để hai người ngồi đối diện không dụng đầu gối chân của nhau. Mỗi giường có một chiếu bằng cói, và một nệm nằm nhồi cỏ khô và bông gòn có thể gập đôi lại được.

Tại một góc tường bên gần cửa ra vào nơi đầu nhà, có một giá gỗ để gác súng của Trung đội Khoá sinh. Mỗi Khoá sinh được cấp một khầu súng trường Garant M-1 riêng, để gìn giữ lau chùi và xử dụng trong việc tập luyện thao tác cơ bản, duyệt binh, tác chiến, và tập bắn. Loại súng này hơi dài và nặng đối với những người có hình vóc nhỏ thấp, nhưng bắn lại đầm không giật hậu mạnh như các loại Mousqueton và Mas-36 nên trong các kỳ thi bắn dễ đạt được điểm trúng bia rất cao.

Từ đầu Nhà Ngủ của chúng tôi ra đến bờ sông Hương có một con đường đất rộng khoảng 5 mét.

Cuối đường là một sàn gỗ dài rộng khoảng 25 mét vuông, cao hơn mặt nước sông chừng 30 phân, dùng làm Cầu Bến Tắm Giặt cho khoá sinh. Đặc biệt nước sông Hương trong vắt có thể nhìn suốt tận đáy, ban đêm nhiều thuyển nhỏ đốt đuốc soi sáng nơi đầu thuyền bơi dọc ven sông để người ngồi trên dùng cây chĩa đôi bằng sắt đâm xuống nước để bắt cá.

Bên phải con đường xuống Cầu Bến Tắm là Nhà Bếp và phía bên trái con đường nơi sát bên hàng rào gần bờ sông là nhà vệ sinh công cộng đủ rộng cho cả trăm nguời giải quyết việc tiểu và đại tiện suốt ngày đêm.

(Còn tiếp)