Menu


Khoá 26 SVSQ TVBQGVN

Khoá Trung Tướng Nguyễn Viết Thanh

Võ Công Tiên - tháng 4/99
(Trình bày: PhiYen26)

Khóa 26 xuất thân từ Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam trải qua một chương trình huấn luyện liên quân chủng 4 năm tương đối hoàn bị và quân bình về mọi mặt quân sự, văn hóa, thể chất, và lãnh đạo chỉ huy. Đó là thành phần Sĩ Quan Hiện Dịch trẻ nhất của QLVNCH tham dự một năm sau cùng trong cuộc chiến chống Cộng Sản trước năm 1975. Phục vụ vì Tổ Quốc, chiến đấu vì Nhân Dân, thể hiện được tính năng động của vai trò Người Cán Bộ từ Khoa Học và Nghệ Thuật Quân Sự, tất cả là những nét nổi bật của Khóa 26, Khóa Trung Tướng Nguyễn Viết Thanh.

Khóa 23 huấn luyện Tân Khóa Sinh Khóa 26. Ngày 28/02/70 Tiểu Đoàn Luyện Thép 26 chinh phục liên đỉnh Lapbé Sud - Lapbé Nord (1732), nhận đêm Lễ Gắn Alpha sau 8 tuần sơ khởi. Từ ngày hành xác nhập trường 24/12/69 với 227 trong số hơn 4300 ứng viên được tuyển chọn, có 10% không kham nổi đoạn đường. Tân Sinh Viên Sĩ Quan bắt đầu đứng vào Tập Thể Alpha Đỏ, theo đuổi từng giai đoạn thử thách để trở thành những chiến binh trong thời chiến, đồng thời sẽ là những cán bộ kiến thiết xứ sở trong thời bình.

Ngôi trường hình chữ (Pi) dưới chân cao điểm 1578 Đồi Bắc vừa hoàn tất các cơ sở mới với những thiết bị hiện đạị như Nhà Văn Hóa Mới, Thư Viện, Nhà Thí Nghiệm Nặng Đào Thiện Yết. Chương trình quân sự thể chất 3700 giờ, và một chương trình văn hóa đa dạng chờ đón Khóa 26. Qua 9 Khoa (Toán, Nhân Văn, Khoa Học, Sinh Ngữ, Kỹ Thuật Điện, Cơ Khí, Công Chánh, Khoa Học Xã Hội, và Kỹ Thuật Quân Sự) với 48 môn học cả thảy 3200 giờ, SVSQ được trang bị một kiến thức tổng quát song song với những khả năng quân sự và thể lực. Bên ngoài, các lực lượng thiện chiến mở nhiều cuộc hành quân vào tận lãnh thổ Kampuchia, từng kinh nghiệm chiến trường nóng bỏng được nghiên cứu học tập.

Khóa 26 hoàn tất năm thứ nhất vào cuối muà đông 70.

Năm 71 đến với Khóa 26 đầy trắc trở không khác nỗi bất hạnh của một quân lực nghèo phải đương đầu với nhiều cay đắng tại chiến trường Hạ Lào (Hành Quân Lam Sơn 719). Khóa 26 mang tiếng học dở, lè phè, nếu không nói bị bỏ bê thì gọi là "được chăm sóc rất kỹ".

Khóa chểng mãng công tác nông lâm mục, lơ là sinh hoạt tâm lý chiến, vì thế Hội Đồng Sĩ Quan Cán Bộ và Khóa Anh Cả không ưa. Thêm vào đó, Văn Hóa Vụ tiếp tục kèn cựa về ảnh hưởng 50% của chương trình huấn luyện, siết SVSQ từng phần ngàn của hệ thống điểm 4.0. Tất cả như muốn nhận chìm Khóa 26 xuống đập nước lạnh nơi Hồ Huyền Trân phía sau Đài Tử Sĩ. So với Khóa 2 CTCT và Khóa 21 Hải Quân họ đang là Đại Niên Trưởng hò hét hiên ngang, Khóa 6/69 Trừ Bị Thủ Đức hiện tung hoành trên khắp chiến trận, thì Khóa 26 thấy thẹn thùng.

Tới cuối tháng 10/71, chuyến du hành thăm viếng quân binh chủng tại Saigon - Bình Dương và Nha Trang - Dục Mỹ, một lần rời xa Trường Mẹ mới trưởng thành. Ca Đoàn Tự Thắng 26 (150 người) hát vang các đơn vị bạn, nhóm phỏng vấn thẳng thắn đặt những vấn đề về tình trạng quân đội, thực tiễn chiến trường và tương lai của đất nước. Trở về, bỏ quên những công tác trồng chuối, nuôi heo nuôi bò, Khóa thanh toán gọn hai mùa văn hóa, từ tư tưởng Montesquieu tới sức căng lực nén, từ phép biến đổi Laplace tới giả thuyết Einstein ..., kết thúc cuộc sống SVSQ năm thứ nhất rưỡi.

 Ngả rẽ quân chủng bắt đầu bằng mùa quân sự đầu năm 72. SVSQ Hải Quân và Không Quân được gửi về Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân và Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân ở Nha Trang. SVSQ Lục Quân tiếp tục học tập tại trường, sau đó theo học Khóa 251 Nhảy Dù tại Căn Cứ Hoàng Hoa Thám (mãn khóa 10/03/72). Du khách đến Dalat có dịp thưởng thức những pha biểu diễn của các Huấn Luyện Viên Dù và Khóa 26 tại Sân Cù, với hằng trăm cánh dù dơi, dù thảm sặc sỡ như những thiên thần.

Chương trình văn hóa hai năm cuối đào sâu vào các ngành kỹ thuật, luật, quản trị, kinh tế. Tuy nhiên có một số môn SVSQ của từng quân chủng phải học riêng như Kiến Trúc Chiến Hạm, Khí Tượng, Xa Lộ Phi Trường, Hàng Hải, Canh Nông, và Máy Đẩy (Năng Lượng, Hỏa Tiễn). Chiến trường sôi động vào Mùa Hè Đỏ Lửa 72. Xử dụng các đơn vị đa hiệu năng với chiến pháp lưu động, QLVNCH bẻ gãy cuộc tổng tấn công xâm lược và làm đảo lộn hệ thống chiến lược của Cộng quân từ Hà Nội tới Moscow. Hùng khí từ Kontum, An Lộc, Quảng Trị, và Bình Định nung nấu tâm can rực lửa của từng SVSQ. Tại trường, Khoa Thể Chất biến thành Phòng Huấn Luyện Thể Chất, đẩy SVSQ đi nhanh hơn trên đường luyện tập thể thao, dã ngoại và võ thuật (80% Khóa 26 mang Đai Đen Nhu Đạo hoặc Thái Cực Đạo).

Ngày 09/09/72 Lễ Trao Nhẫn Khóa 26 với hàng ngàn ánh đuốc quanh các đường vòng Lê Lợi - Chí Linh, được tổ chức long trọng, đánh giá sự đoàn kết và khả năng tự tổ chức của Khóa có quân số ít nhất và lọt chọt nhất.

Hiệp Định Paris 01/73 báo hiệu những chuyển biến mới trong cuộc chiến toàn diện của Quân Dân VN chống chủ nghĩa CS. Nó cũng tố giác những mánh lới của các thế lực quốc tế khi áp dụng các chiến lược nửa vời trong nghệ thuật chiến tranh. Thời gian này, Khóa 27 và 28 rời Trường đi công tác, mỗi một Khóa 26 tiễn đưa Khóa 25 lên đường chinh chiến. Hải Quân, Không Quân trở lại các quân trường Nha Trang, thực tập giai đoạn đào tạo Hoa Tiêu. Thành phần Lục Quân chia hai, luân phiên huấn luyện Khóa 29 và đi học Rừng Núi Sình Lầy và Viễn Thám tại Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Đông Quân ở Dục Mỹ.

 Tiếp tục cùng Khóa 29 công tác Chiến Tranh Chính Trị tại Quân Khu 1 từ Thạch Hãn đến Chu Lai.

Tham dự cuộc diễn binh nhân Ngày Quân Lực 19/6/73 tại Đại Lộ Trần Hưng Đạo Thủ Đô Saigon (với Khóa 27).

Ngoài trận, chiến thắng Sa Huỳnh đập tan âm mưu chia cắt Miền Trung của tập đoàn Cộng Sản. Trong trường, Hệ Thống Tự Chỉ Huy và toàn thể Khóa 26 lèo lái Trung Đoàn SVSQ vượt qua nhiều khó khăn nội bộ. Tập San Alpha Đỏ, tiếng nói lý tưởng và trong sáng của SVSQ thực hiện được hai số.

 Hai mùa Văn Hóa 9 tháng dồn vào 6 tháng, học đêm ngày không bớt một chương. Khóa 26 phá lệ không ra trường vào cuối năm 73, kéo lê thê năm chót dài 25 tháng (vì cuối năm thứ ba không có phép thường niên).

Ngày 18/01/74, Khóa 26 mãn khóa với 175 Thiếu Úy Hiện Dịch tốt nghiệp văn bằng Cử Nhân Khoa Học Ứng Dụng, mang tên Khóa Trung Tướng Nguyễn Viết Thanh. Lễ mãn khóa không có hoa anh đào nở, nhưng rất tươm tất với kịch lịch sử Lam Sơn Khởi Nghĩa, và các màn biểu diễn nhảy dù, nhu đạo, kỹ thuật viễn thám, thái cực đạo, hiệp khí đạo. Thủ Khoa Nguyễn Văn Lượng, Á Khoa Phạm Ngọc Liên, và bè bạn lên đường phục vụ đất nước. Đại Úy Nguyễn Văn An soạn Cẩm Nang Địa Hình tặng từng đứa em. Khóa "Cowboys" xuống núi. Suốt 4 năm 1 tháng, Khóa 26 được sự hướng dẫn của hai vị Chỉ Huy Trưởng Trung Tướng Lâm Quang Thi, Thiếu Tướng Lâm Quang Thơ, và hàng trăm SQ Cán Bộ, Huấn Luyện Viên, Giáo Sư và quân nhân các cấp tại Trường, chưa kể sự đóng góp và lòng ưu ái của các TTHL và quân trường bạn cũng như đồng bào vùng hỏa tuyến. Lao vào binh lửa, Khóa Trung Tướng Nguyễn Viết Thanh va chạm với những thực tế đơn vị và tình hình chiến sự phức tạp của chiến trường 74 -75. Bằng lý tưởng cao độ, ý chí vững vàng thấm nhuần tinh thần trách nhiệm của người quân nhân, họ sát cánh cùng đồng đội trên khắp trận mạc từ Thường Đức, Quế Sơn, Phước Long, An Điền, đến vùng châu thổ Cửu Long. Tuy là những cấp chỉ huy nhỏ, tầng lớp này có thể hiểu được những điều kiện sinh sống của quần chúng, tầm quan trọng của vấn đề tiếp vận, nhu cầu không hải yểm, hoặc cách xử dụng hỏa lực bằng vũ khí điện tử chẳng hạn. Đồng thời cũng có khả năng phân tích thế nào là một cuộc hành quân lùng diệt, ngăn chận, giải tỏa, lưu động phối hợp, hoặc hành quân xâm nhập, khích động ... trong tương lai. Giữ vững vị trí trên các chiến tuyến Tam Kỳ, Khánh Dương, Xuân Lộc, và tại Thủ Đô Saigon tới giờ phút chót. Tù cải tạo từ Bắc đến Nam vẫn không cầm nổi bước chân uy dũng của Cựu SVSQ Khóa 26. Trần Văn Năm, vượt trại, cướp xe, bằng một quả lựu đạn thí mạng với toán gác thác Prenn trên Quốc Lộ 20 hướng về Dalat, cứu đồng bạn chạy thoát.

Đại Tá Nguyễn Văn Sử (Quân Sự Vụ Trưởng TVBQGVN) đặt hy vọng lớn lao vào Tập Thể Khóa 26 như một người con thân yêu nhất của quân đội. Ngoài số hy sinh, mất tích (hơn 50 người), hiện nay (tháng 4/99) có khoảng 50 người còn tại quê nhà, 85 người sinh sống tại hải ngoại (Úc Châu 7, Pháp 3, Canada 3, Hoa Kỳ 72). Quốc nội, hải ngoại nâng đỡ nhau tiếp tục thực hiện chí hải hồ của người trai thế hệ.

Khóa 26 Võ Bị nổi trôi theo sự thăng trầm của một quân lực oai hùng nhất - Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.