Nguyễn Mạnh Trinh
Có người nói chỉ gọi nhà văn là đủ rồi, cần gì phài thêm vào nhà văn không quân hay nhà văn hải quân hoặc nhà văn “Đà Lạt” hay nhà văn “Thủ Đức” cho rắc rối. Hai chữ nhà văn cũng đủ cho một trời chữ nghĩa rồi.
Thực ra, chỉ là thói quen, mà với riêng tôi, lại là một thói quen đáng yêu. Khi nói đến những danh từ kèm theo chữ nhà văn, tôi đã hình dung ngay cái căn cước của tác giả mà tôi đang đọc. Nhất là, trong thời buổi chiến tranh, khi mà quân đội đã thu góp cả nhân lực của quốc gia thì dù hiện dịch hay trừ bị, tác chiến hay không tác chiến cũng là những mảnh đời biểu hiện những góc cạnh của một thời tao loạn.
Nhà văn Đa Hiệu. Tôi chợt liên tưởng tới những người chọn binh nghiệp làm lẽ sống của đời mình. Đà Lạt, nơi những chàng trai trẻ bắt đầu võ nghiệp, bắt đầu cuộc đời một người lính tham dự cuộc chiến với tấm lòng trong veo đầy lý tưởng. Nhưng thực tế lại khác, chỉ có người ở trong cuộc mới hiểu được nỗi nhọc nhằn của những người lính trong một cuộc chiến phi lý. Ngoài tiền tuyến hy sinh, trong khi hậu phương thì bị phá nát bởi những tên vô trách nhiệm không một chút ý thức nào về dân tộc và quốc gia. Có những người trước khi vào lính là những sinh viên hay biểu tình tranh đấu nhưng khi gia nhập quân ngũ lại cảm thấy giận dữ khi máu xương và mồ hôi của mình và đồng ngũ mình bị phí phạm một cách cực kỳ vô ích. Cũng như, có những người lính, sau nhiệm vụ cầm súng, đã cầm bút như một cách thế để nói lên nỗi niềm tâm sự của mình. Họ là người lính, trước khi là nhà văn…
Tôi nghĩ đến cái mộng ước của đại tá Trần Ngọc Huyến, chỉ huy trưởng trường Võ Bị Đà Lạt một thời. Ông muốn hình thành một lớp quý tộc mặc quân phục với tiêu chuẩn văn võ toàn tài. Từ bước đầu rèn luyện ở quân trường, không phải chỉ là những kiến thức về quân sự về chuyên môn, mà còn cả những phương cách để học làm người nữa. Một mẫu người kiểu mẫu cho một thời đại. Bằng mọi cách, với tất cả nỗ lực ông kiến tạo một tiêu chuẩn mẫu mực mới cho phong cách và chân dung một sĩ quan hiện dịch. Tiếc là thời gian đã không đủ để có một trắc nghiệm chính xác. Nhưng, từ những người con xuất thân từ Trường Mẹ, họ đã không làm phụ lòng những mộng ước mong mỏi trên. Địa linh thì có nhân kiệt. Đỉnh Lâm Viên vòi vọi cao nhưng không phải là chẳng thể vượt qua.
Bây giờ, đọc những trang sách của những tác giả xuất thân từ trường Võ Bị tôi lại thấy phảng phất đâu đây mùi nhựa thông buổi sáng hay mầu hoa quì vàng làm ngây ngất lòng người. Cái sương mù bây giờ ở xứ người có làm nhớ đến màn sương mù đặc quánh của những chàng sinh viên sĩ quan thuở trước? Ai làm người lính gác đêm, nhìn thành phố mờ tỏ ánh đèn có thấy xao xuyến nỗi nhớ mong nào đó? Kỷ niệm sẽ rất đẹp, khi lúc ta đang tuổi xuân, lòng bừng bừng men rượu của cuộc sống sắp đến. Đà Lạt, nơi có những người lính alpha đỏ trên vai, và những cô gái nữ sinh Bùi Thị Xuân, Couvent, ... đầy e ấp. Ở đó có những mối tình đẹp nhưng cũng có những chia tay buồn bã. Hoa mimosa, hoa anh đào, hoa quì có một buổi nào nở rộ? Những người lính, lên đường mang giấc mộng của mình đi đến chiến trường, nơi trăng treo vó ngựa, nơi sinh tử mịt mù?
Một nhà thơ xuất thân Võ Bị. Hà Huyền Chi. Những câu thơ thật thà của một cuộc đời nổi trôi theo dòng thăng trầm của đất nước:
“… Tôi mười sáu trốn vào Nam lập chí. Ở 1954, cùng đoàn người di cư theo Ngô Chí Sĩ. Tôi thành con bà phước giữa đời. Trại học sinh cho hai bữa cơm tươi. Tôi múa may, bán báo, dậy kèm, tìm học phí. Hai năm liền tôi thi trượt tú tài. Tôi hành xác cạo đầu. Tôi kinh sử miệt mài. Vẫn vỏ chuối. Cán mai.
Khóa 14 tôi thi vào Võ Bị. Lính cà nhỏng, cao bồi thất chí. Bị đàn anh hành xác triền miên. Tôi ba gai thù niên trưởng đái thiên. Coi sinh viên cán bộ như ăng ten rẻ mạt. May chưa bị đuổi khỏi trường.
Tôi chọn nhảy dù, màu mũ đỏ dễ thương. Chọn gian khổ làm đầy thêm nghĩa sống. Xa trường mẹ mới thấy hồn chao đông. Nhớ gì đâu từng kỷ niệm buồn vui. Gặp lại đệ huynh trong binh lửa rực trời. Thấy thân thương hết nói.
Tôi đánh giặc làm thơ. Tôi yêu cuồng sống vội. Nhaỷ dù, nhảy đầm, đời khật khưỡng say. Bài thơ đầu tiên Không Gian Vương Dấu Giày. Đời rộng lượng biến tôi thành thi sĩ. Tôi Hà Huyền Chi viết không ngưng nghỉ. Thơ ròn như súng tiểu liên. Tôi bập vào thơ khi bước giữa bãi mìn. Mê viết lách tôi nhảy về báo chí. Rồi phát thanh, điện ảnh tận vui. Từng đóng 8 phim, cũng đạo diễn một thời. Rồi ấn họa cho đủ mùi tạp lục.
Tháng tư đen với đáy cùng đớn nhục. Tôi giạt sang Mỹ quốc cầu an. Tôi đọa đầy tôi. Thiếu tá lao công. Thi sĩ bồi bàn. Rồi kế toán, cộng trừ mạt kiếp. Gia tài mang theo là một trời quê hương tưởng tiếc. Tám truyện dài như chứng tích bi thương. Lệ khô rồi còn nhức nhối đường gươm. Thơ lại bắn từ trái tim nứt rạn. 24 tập thơ vẫn dư sức đạn. Từ thơ là nhạc, hơn 400 phổ bản. Hơn 40 nhạc sĩ góp phần. Kỷ vật cho đời là Lệ Đá phù vân... ”
Thơ Hà HuyềnChi viết về người lính nhảy dù tạo ra cho độc giả nhiều cảm xúc. Một chút hùng tráng, một chút mơ mộng, một chút hãnh diện, một chút xao xuyến tâm tư, tất cả là hứng cảm để có những bài thơ độc đáo cho thi sĩ. Nếu nói người lính nhảy dù HHC làm thơ trong men say cảm giác thì cũng chẳng phải ngoa ngôn. Thơ của ông có cái bừng bừng của ngọn lửa đang bốc trong óc não.
Ví dụ như bài thơ “Người lính nhảy dù và Mây” đăng trên nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa năm 1960 sau đổi tên thành Không Gian Vương Dấu Giày:
”Từng chuyến từng chuyến bay
Nói lên nhiều thương nhớ
Dù chĩu nặng vai gầy
Tim rung từng nhịp thở
Hoa dù hoa dù nở
Lòng trai lòng trai say
trời cao vun vút gió
xóm làng mờ chân mây
Từng chiếc lại từng chiếc
hoa dù nở trong mây
Hồn tôi ai chắp cánh
Không gian vương dấu giày. ”
Chúng ta hãy thử tưởng tượng. Con người bé nhỏ làm sao và cũng to lớn làm sao trong cái cao rộng của trời đất. Trong cảm giác chênh vênh giữa nhỏ vô cùng và lớn không tả được, là cảm giác của con người, của tâm tư những người lính đang say men lãng mạn bềnh bồng trong cái vô thức của cuộc sống…. Tôi đang cảm thấy mình cũng đang phiêu du trong cảnh giới của người thi sĩ đang lao mình vào không gian cho những cánh dù tung gió…
Chắc người lính nhảy dù ấy cũng lãng mạn lắm. Và có khi nào đang ở trên lưng trời mà nghĩ đến ai kia. Một người em gái, một người tình bé nhỏ xinh xinh chẳng hạn... ? Điều ấy là dĩ nhiên. Như bài “ Saut Đêm “ mà HHC viết :
“ trong túi hành trang còn thiếu thư em
và nhịp lòng tôi sầu muộn chưa quen
những chuyến đi dài bao nhiêu thương nhớ
Sài Gòn ngủ mơ thấp thoáng ánh đèn
Thân tầu mây vương lắc lư đường trăng
Tôi tìm đâu đây một vết sao băng
Để nghĩ về em nhiều đêm không ngủ
Bóng gầy ưu tư đôi mắt thâm quầng
Điếu thuốc truyền tay gắn trên môi nhau
Mắt thoáng âu lo nhìn cuối thân tàu
Ngọn đèn yêu tinh mầu xanh bật sáng
Từng hồi chuông ngân rờn rợn da đầu
Vòm trời ngả nghiêng loáng chân mây xa
Ô hay tầu trôi theo sông Ngân Hà
Phóng mình tôi bay qua khung cửa nhỏ
Nghe mình chơi vơi lưng dù nở hoa... ”
Một nhà văn Đa Hiệu khác. Trước khi gia nhập binh chủng nhảy dù, Phan Nhật Nam là một sinh viên sĩ quan trường Võ Bị Đà Lạt khóa 18. Tôi để ý thấy ông ít tôn sùng một thần tượng nào, nhưng khi nhắc về Trường Mẹ của mình, ông đã viết với sự tôn trọng. Hơn nữa, với cả một tâm tình đằm thắm mà ông đã có từ thuở hoa niên. Những người, mà ông gọi là thầy, là niên trưởng, hay niên đệ, trong văn chương ông, đều có nét chung mang nhân bản, của những mẫu người yêu đất nước và mong muốn hòa bình dù phải bắt buộc cầm súng. Những lời ông ngỏ, như những tâm sự gửi đến, để chia sẻ: “…Tôi ở lính tám năm, năm nay 26 đi lính năm 18 suốt tám năm của một thời lớn lên tôi đem tặng hết cho quân đội, không phải đến bây giờ tôi thất vọng chán nản vì công danh không toại ý, cuộc sống bị ép buộc không đúng như mơ ước nên cay cú hằn học với nhà binh. Không như vậy, tôi đi lính năm 18 tuổi vào học trường tình nguyện ra làm ông Quan một. Chẳng có ai lôi kéo tôi vào trường ấy, tôi tự động hăng hái hãnh diện để trở thành một Sinh Viên Sĩ Quan với ý nghĩ đã chọn đúng cho mình một hướng đi, một chỗ đứng dưới ánh mặt trời mọc. Tôi có những rung động thật thành thực khi đi trong rừng thông hương nhựa thông tỏa đặc cả một vùng đồi, sung sướng vì thấy đã đưa tuổi trẻ vào trong một thế giới có đủ mơ mộng và cứng rắn, một thế giới pha trộn những ước mơ lãng mạn hào hùng... Chuyển quân trong sương đêm, trong mây mù, ánh lửa mục tiêu của một đêm đông, trong hốc núi hoang vắng, thế giới mạo hiểm giang hồ của Jack London phảng phất đâu đây...
Tôi say mê và thích thú với những khám phá mới mẻ đó. Nắng cao nguyên trong những ngày cuối năm vàng tươi rực rỡ, đứng ở đồi nhìn xuống hồ suối Vàng trong vắt yên lặng, người như muốn tan vỡ thành muôn ngàn mảnh nhỏ theo cơn gió bay chập chờn qua vùng đồi trùng điệp và tan đi trong nước hồ xanh ngắt…, ” Không phải cảm giác và tâm tưởng ấy là của riêng tác giả Dấu Binh Lửa. Mà hình như của chung những chàng lính ”sữa“ quân trường. Huấn nhục không làm vơi chất lãng mạn mà còn tạo thành một truyền thống để những cực nhọc thăng hoa thành những kỷ niệm đẹp một thời. Đà Lạt, phong cảnh hữu tình, người cũng đẹp và trời đất bốn mùa cũng có nét đẹp cách riêng. Sống ở trong môi trường ấy, óc tưởng tượng đã phát triển để thấy được cái lồng lộng vô biên của cuộc nhân sinh. Thực tế cũng có nhiều trắc trở, ngày tháng rồi sẽ kéo dài những mệt mỏi, nhưng trong rực rỡ những hy vọng vẫn là những bản hoan ca của một tuổi trẻ thanh xuân. Không phải là những bài hát mị lính rẻ tiền kiểu “anh tiên tuyến em hậu phương” mà là những tâm tư chất ngất hùng tráng của những câu thơ hào hùng thuở nào nhắc đến một htời trăng treo vó ngựa. Phan Nhật Nam viết về những ngày ở Trường Mẹ:
“... Phải nói thật những ngày ở lính đầu tiên của tôi đầy trong sáng và đẹp đẽ. Trong sáng như giấc mơ của số tuổi 19, giấc mơ mù mờ có cánh chim trắng bay chậm rãi qua rừng thông…. nhưng đời sống nhà binh không hẳn là vậy, nó còn có sĩ quan cán bộ, có nghi lễ, có đủ những phiền toái hỗn độn mà đời sống dân sự không ai nghĩ ra được… Nên khung trời đầy sương mù bí mật ngoài khung cửa sổ hiện ra như một thách thức đối với đời sống kìm kẹp của tôi hiện tại.
Đây cũng là một thời gian thật khủng hoảng, mỗi đêm nhìn về phía thành phố đầy ánh đèn tôi không ngủ được, tưởng như có một tiếng gọi của đời sống ở bên ngoài quân ngũ đang nhắc nhở thúc gịuc, một đời sống thực sự tôi không có. Từ khung cửa sổ nhìn xuống những dàn đồi im lặng chạy dài trong sương mù và đằng xa ánh đèn xanh của vườn Bích Câu ma quái diễm ảo, tôi thấy rõ trong tôi có một nỗi cô đơn khủng khiếp hiện hình sừng sững. Những lúc ấy tôi thấy được con người thực của mình, một gã trai trẻ viễn vông, thấy rõ những cười đùa ban ngày, những buổi học, bữa ăn tập thể không ảnh hưởng gì đến con người trong tôi. Không thể có được một ý niệm về chuyên môn quân sự mà bằng tất cả mọi cách nhà trường cố nhét vào trong đầu óc. Những đội hình tác chiến, cung cách chỉ huy, chi tiết kỹ thuật về vũ khí trôi qua trí não mơ hồ như một cơn gió nhẹ. Hai năm sống ở mái trường đó như một cơn gió phiếm du. Những giây phút thực nhất là phiên gác nửa đêm về sáng dưới ánh đèn pha của vọng gác kho đạn tôi khám phá được một thế giới của cây cỏ đang thở, đang lớn lên, những giây phút khoảng năm giờ sáng, sau phiên gác nhìn xuống phòng sĩ quan trực, người lính kèn im lặng đưa lên môi thổi bài kèn báo thức. Và giây phút thực nhất không gì hơn suốt ngày chủ nhật một mình một ngựa chạy như bay vào hướng đồn Daksard. Con đường đỏ còn ướt sương đêm, trời chưa tan hẳn mù, ngựa phi như gió cuốn, ngựa đi vào trong một vùng mù đặc, rừng thông chuyển động ào ào, cả trời cao nguyên tan biến chập chờn theo vó ngựa. Kết quả sau hai năm ăn nhờ chánh phủ tôi được biến thành ông quan Một ra trường đi binh chủng hung hãn nhất…” Vào lửa đạn, đi qua từ những chiến trường này đến trận chiến nọ, trải qua bao nhiêu thăng trầm binh nghiệp, bao nhiêu lần thương tích, bao nhiêu lần thấy cái lý tưởng thời xưa bị vầy đạp, vẫn thấy, sáng ngời những ngày tháng quân trường, vẫn thấy, niềm hãnh diện xuất thân từ ngôi Trường Mẹ vẫn chưa nhạt phai.
”... Tôi ra trường năm 1963, thời gian chiến tranh bắt đầu nặng và hỗn loạn không phải chỉ thuần túy ở sự kiện chiến tranh nhưng đã bắt đầu gây mầm bùng nổ ở lòng người. Lẽ tất nhiên là sĩ quan nhà nghề, xuất thân từ quân trường mà quyền hành của khóa đàn anh không phải chỉ để thi hành kỷ luật nhưng là một ám ảnh khủng khiếp cho khóa dưới. Chỉ một cái quắc mắt của Nguyễn Xuân Phúc (khóa 16) khi bước lên bục gỗ, hai trăm người của khóa tôi co rúm tê liệt như con nai chết trước nhãn quan khủng khiếp của con hổ. Một sinh viên sĩ quan khóa 19 vì quá sợ niên trưởng nên dù trái lựu đạn đã bật kíp nhưng cũng không dám ném đi vì chưa nhận được lệnh (trong bài học ném lựu đạn tất cả các động tác đều theo lệnh) nên hậu quả trái đạn nổ trên tay….
Tôi biến thành một người lính thực thụ, trận lớn, trận nhỏ, chiến dịch hai tháng, ba tháng, dài ngắn, từ Sài Gòn trở ra Bến Hải, tôi đi đủ. Những địa danh xa xôi bất kỳ một xó xỉnh hiểm hóc nào của miền Nam này tôi cũng có thể biết rõ một cách tường tận. Từ những miền quá nổi tiếng như Khe Sanh, Cồn Tiên đến những làng nhỏ từ cửa Việt đi ra : Diêm Hà Trung, Diêm Hà Nam, cái làng nhỏ cuối thung lũng sông Kim Sơn, làng Hà Tây, đèo ông Hổ đổ xuống Phù Củ ra Phù Ly, Phù Cát thẳng đến biển là núi Lồi, đầm Trà Ổ, xuống phía Nam là đầm Nước Ngọt. Lên đến Pleiku, trực thăng vận xuống phía Nam Biên giới Lào Việt đầu ngọn sông Ia-Drang…Đâu đâu tôi cũng đến. Năm thứ nhất, năm thứ hai, thứ ba tôi sống thoải mái, vì đã đi đủ, nhìn đủ. Tôi cũng chấp nhận cho sự góp mặt ở chiến cuộc; góp mặt để chấm dứt chiến tranh. Thắng bại không kể, nhưng cốt yếu là không ở ngoài, không chạy trốn trong khi bạn bè những người cùng trang lứa đang tham dự đang ngã chết. Dù bên này hay bên kia, chết trong thù hận…Những người đang đi tìm cái chết để biện giải cho đời sống”.
Phạm Huấn. Một cựu SVSQ khóa 13 Võ Bị Đà Lạt. Một nhà báo lừng lẫy. Một nhà văn lãng mạn. Một phóng viên chiến trường yêu nghề. Một người lính yêu binh nghiệp. Chân dung Phạm Huấn đa diện phong phú. Nhưng bao trùm tất cả là những nỗi buồn, những cuốn sách ghi lại một thời binh lửa. Từ “Một Ngày Tại Hà Nội” đến “Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên 1975”, rồi ”Những Uất Hận Trong Cuộc Chiến Mất Nước” hay ”Điện Biên Phủ 1954 Ban Mê Thuột 1975” và “Trận Hạ Lào 1971”. Tất cả phát xuất từ một chứng nhân, từ một người lính chuyên nghiệp có những hạnh ngộ bất ngờ để hiểu biết được những hỏa mù của thời thế và mặt sau của thời cuộc. Và chính vì hiểu biết nên ông đã đau nỗi đau của những người dân nhược tiểu, đau đớn bất lực nhìn cuộc chiến mà bao nhiêu xương máu của chiến sĩ của những người lính vô danh bị hy sinh oan uổng. Viết sách như một người chứng nhưng lại đau nỗi đau của người trong cuộc, bởi vì ông cũng là một người lính và luôn hiểu được vị trí và trách nhiệm của mình.
Tháng 11 năm 1974, Phạm Huấn lên Pleiku để chỉ vài tháng sau chứng kiến ngày quỵ ngã của Cao Nguyên với cuộc di tản ngày 17 tháng 3 mà ông gọi là ”cuộc triệt thoái Cao nguyên”, những ngày dài nhất của 21 năm trên chiến trường này. Là một nhà báo tinh nhạy, lại ở một vị trí của một người biết nhiều tình hình kể cả hai mặt trái và phải nên những ghi chép lại trong tác phẩm này biểu hiện được nhiều sự thực.
Nếu Hoàng Khởi Phong viết “Ngày N+” với tư cách của một sĩ quan thừa hành trong cuộc di tản thì Phạm Huấn viết với tư cách của một người nắm vững tình hình tổng quát hơn và có những nhận xét ở trên cấp cao hơn và những bí mật, những bề trái của cuộc chiến được bầy tỏ rõ rệt hơn.
Cuốn sách mở đầu: ”... Tự nhiên tôi thoáng nghĩ, nếu đây là một chuyến bay định mệnh, chuyến bay kết thúc những người yêu võ nghiệp như Tướng Phú, như Vinh, thì quả là oan trái phi lý!
Nhưng rồi những nguy hiểm cũng qua đi. Lúc gần hết xăng, bằng những kinh nghiệm nghề nghiệp, người phi công đã lái con tàu của mình thoát khỏi những tầng mây đen. Qua khung kính mù mịt tôi thấy được mỏm núi nhỏ gần phi trường Cù Hanh. Mọi người thở phào nhẹ nhõm.
Phi cơ càng xuống thấp, mỏm núi càng gần lại và thấy rõ hơn. Đó là ”hình dáng” cái phần kín đáo và đẹp nhất của người đàn bà. Thời tiết xấu xuống phi trường Cù Hnah – Pleiku theo kinh nghiệm của các Pilốt vận tải - cần phải thấy “mỏm” núi đó mới thấy yêu đời và đáp an toàn được. Khi chiếc C-47 chở tướng Phú tiến vào chỗ đậu, tiếng vỗ tay vang dội. Trời vẫn mưa như trút nước. Đi trong đám đông những anh em đồ trận sũng nước tôi nghe được tiếng nói của một người quân nhân cao niên:
- Đó là người mang…giông bão tới”
Và chấm dứt cuốn sách là một trời tâm sự đầy phẫn nộ:
”Tôi xin chịu trách nhiệm về những điều tôi viết trong cuốn sách. Tôi cũng sẵn sàng chấp nhận mọi sự phê phán mọi chuyện xẩy ra bất cứ từ đâu tới. Đây là việc làm tôi đã suy nghĩ trong một thời gian dài trước khi quyết định phổ biến mọi bí mật mà tôi biết về “cuộc rút quân Tây nguyên” và những ngày cuối cùng trên chiến trường Quân Đoàn II. Trong cái nhục của một người quân nhân bại trận, hèn nhát trốn chạy qua đây, tôi đã muốn quên đi tất cả. Nhưng, những hình ảnh của trận chiến sau cùng luôn luôn chờn vờn ẩn hiện trước mắt tôi. Tôi rất đau đớn và vô cùng phẫn nộ khi phải nghe, phải đọc hoặc có ai nhắc đến câu ”Tan hàng bỏ chạy. Chưa đánh đã chạy…” Đó là một sỉ nhục chung cho cả tập thể QLVNCH. Điều đó không đúng. Xin hãy kết tội phê phán những sai lầm của các Tướng lãnh, các cấp chỉ huy lãnh đạo đất nước, chỉ huy quân đội và cả kết tội cả tôi đã làm mất nước đã thua trận đã hèn nhát. Nhưng hãy để yên cho những người đã chiến đấu và đã chết sau trận chiến sau cùng được yên nghỉ…” Một nhà thơ Đa Hiệu, cựu SVSQ khóa 17 Võ Bị Đà Lạt Võ Ý. Sau khi ra trường, ông gia nhập quân chủng Không Quân. Là một phi công, người đã tình nguyện lên phố núi” nhận nơi này làm quê hương dẫu cho khó thương” làm thơ với cả tấm lòng của mình, một người bay ở trên cao để thấy thiên nhiên tươi đẹp biết bao, để thấy cuộc sống vẫn còn nét mơ mộng hào hoa. Với ông những nơi chốn những địa danh của phố núi như ngập tràn nỗi nhớ... Thơ của những người lướt gió đè mây chắc lãng mạn lắm Như bài thơ Xưa Trên Đó”
“Xưa trên đó sương nhòa hơi thở đượm
dốc cũng vừa ta bước xuống cô đơn
mê cho lắm cho tay dài với mộng
mặt trời lên chiêu rạng tới ưu phiền
mưa thì sình bụi mù thay nắng gió
gặp là vui cam khổ cũng cam đành
vui cho quên đâu bằng xưa trên đó
áo bay bay mờ ảo dấu Phượng Hoàng
quên được thì quên nhớ ai thì nhớ
quên cho rồi quyên gọi quốc từ đây
nhớ đâu đâu lạ lùng trăng đêm đó
tượng đá thần linh sao ta tỉnh say.
Một dạo bay qua nhìn qua trên đó
Đồi như vương cây như vấn chân nàng
Phố củng xưa và tim thì đau nhói
Quạt nồng đâu qua đó để cơ hàn... ”
Ở Pleiku, viết văn làm thơ là một cách thế sống thực cũng như đang thở với đời. Cái nghênh ngang tuổi trẻ, của không gian trong tầm tay làm thơ rộng hơn, bao quát hơn cõi nhân sinh đang dưới cánh bay vùng vẫy. Con người gần với trăng sao hơn, và ngôi tinh đẩu dẫn lộ lúc nào cũng thân yêu đằng trước. Là chim đầu đàn của Phi đoàn Bắc Đẩu 118, những thăng trầm của đời binh nghiệp hiện diện trong thơ văn của chàng trẻ tuổi mà ngày xưa câu thơ Chinh Phụ ngâm đã phác họa hào hùng ”Áo chàng đỏ tựa ráng pha/ Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in.” Trấn thủ vùng tam biên Tây Nguyên, cảnh ấy, người ấy, thời tiết ấy, nỗi niềm ấy, làm sao mà không làm thơ cho được:
“bây giờ ta ở Pleiku
thấy xanh đó núi thấy mù này sương
núi xanh còn ngỡ phố phường
mù sương ngan ngát dễ thường dễ khuây
bây giờ ta nấu nung đây
kêu thương con quốc đắng cay tấc lòng
bụi hồng gió cuốn thinh không
ta con chim nhỏ dám mong cõi trời. ”
Tháng tư 1975, quốc phá gia vong, những người lính tan hàng ngậm nỗi hờn căm chiến bại. Võ Ý với những bài viết nhắc lại một thời khổ ải mà những người thua trận phải chịu đựng. Nhưng, không phải là thái độ bi quan đầu hàng số phận mà, vẫn là thái độ vươn lên nhìn đời với cái nghĩa sắt son của câu châm ngôn quen thuộc của quân chủng mà ông phục vụ ”không bỏ anh em không bỏ bạn bè” Nhường cơm xẻ áo, giúp đỡ lẫn nhau vẫn là tinh thần tương trợ của những người lính Việt Nam Cộng Hòa…
Định cư ở Hoa kỳ, làm lại cuộc sống mới nhưng lúc nào cũng ngóng về quê nhà, nơi người mẹ hiền đang sống để nhớ thương con. Đêm VuLan chờ xe buýt, có phải là phút giây để ngóng lại quê nhà:
“Bước lui bước tới bước chờ
Bước lưu lạc đó bây giờ là đây
Đèn đường nuớc Mỹ đến hay
Trăn Vu Lan ngỡ tháng ngày phôi pha
Lòng con tấc cỏ phương xa
Chén cơm hiếu tử sao qua Thái Bình
Ngực con thắm thiết hồng xinh
Mà dòng lệ Mục Kiền Liên dâng trào
Bước lui bước tới nôn nao
Bước luân hồi đó trước sau cũng về
Mẹ ơi con lạc bến mê
Mà bờ giác chỉ cận kề Mẹ thôi. ”
Bài viết đã dài. Thế mà còn biết bao nhiêu nhà văn Đa Hiệu tôi chưa đề cập tới. Những khoảng trời thơ văn cao rộng. Những tâm tư chất ngất một thời. Những tâm sự như biển như sông trong tác phẩm của những nhà văn nhà thơ như Nguyễn Đạt Thịnh, khóa 6; Nhất Tuấn, khóa 12; Duy Năng, khóa 14, Đoàn Phương Hải, khóa 19, Huỳnh Văn Phú khóa 19; Đỗ Quốc Anh Thư khóa 20….
Đó là chưa kể những tác giả Đa Hiệu mà tôi chưa đọc đến. Thôi thì xin hẹn một bài viết khác…