Orchid Thanh Lê
Bài viết của tác giả Orchid Thanh Lê trong Đa Hiệu số 100 năm 2014 kể việc cô -do nhân duyên- đã tìm được tên của một binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa tử thương trong một phi vụ hỗn hợp với quân nhân Hoa Kỳ vào thời chiến. Sau đây là phần còn lại của câu chuyện kể về buổi lễ ngày 23-4-2015, khi chính phủ Hoa Kỳ chính thức trao huy chương và gắn lại bảng tên cho người chiến sĩ bị mất tên.
* * *
Bài viết “Đi Tìm Tên Một Người Vô Danh” của tôi được đăng trên Việt Báo Viết Về Nước Mỹ ngày 17 tháng 1 năm 2014. Vài tuần sau tôi thấy có một lời nhắn trong phần độc giả chia sẻ ý kiến: “Xin tác giả liên lạc với diemtan@hotmail.com để biết về người chiến sĩ hữu danh này và nơi an táng.”
Câu chuyện tôi kể mang đến kết cuộc tìm được tên của người chiến sĩ Không Quân/ Việt Nam Cộng Hòa hy sinh trong một phi vụ hỗn hợp với phía Mỹ. Lúc đó lòng tôi dạt dào cảm xúc khi được biết thêm thông tin liên quan. Tôi gõ nhanh trên bàn phím máy vi tính vài dòng liên lạc “Dạ, có phải chăng người nhận thư này là thân nhân của Trung sĩ Nguyễn Văn Hải? Nếu vậy thì đó là điều tôi đang cố gắng tìm kiếm để hoàn tất thủ tục đặt tên anh vào bảng tưởng niệm và truy nhận huy chương...”
Buổi trưa cùng ngày, tôi nhận thư trả lời “Tôi tên là Nguyễn Viết Tân. Nếu cô đã từng đọc các tác giả Viết Về Nước Mỹ thì chắc có biết cái tên này.”
Nào có xa lạ gì! Người trả lời thư cho tôi là một tên tuổi thân quen của độc giả Việt Báo. Tôi thích lối viết mộc mạc của ông trong các bài viết. Suốt buổi chiều còn lại ngày hôm đó, tôi chỉ mong hết giờ làm việc để về nhà. Tôi gọi điện thoại cho tác giả Nguyễn Viết Tân và chuyện trò với ông khoảng ba tiếng đồng hồ.
- Tôi là bạn cùng khoá 5/69 Cơ Khí Phi Hành với Hải, sau này tôi đậu tú tài rồi mới đi khác ngành.
- Dạ, ra là vậy.
- Hải đóng quân ở Biên Hoà, còn tôi ra đơn vị tuốt ngoài Đà Nẵng nên không biết nhiều về Hải, cho đến khi đọc bài của cô, thì chuyển cho chiên hữu cùng khoá còn ở Việt Nam.
- Thật là một sự trùng hợp may mắn, chú Tân ạ.
Qua thông tin ban đầu từ chiến hữu cùng khóa với tác giả Nguyễn Viết Tân, tôi được biết chị em của Trung sĩ Hải vẫn còn ở lại trong nước.
Chúng tôi bàn đến khả năng liệu thân nhân có đủ khả năng tài chính cho một chuyến đi sang Mỹ để đại diện gia đình nhận lại huy chương truy tặng. Tác giả Nguyễn Viết Tân rất nhiệt tình, cho tôi biết sẽ bảo trợ chỗ ở cho người thân trong gia đình Trung sĩ Hải và đồng thời vận động bên Hội Không Quân yểm trợ vé máy bay. Tôi thầm cám ơn lòng hào hiệp của vị Mạnh Thường Quân này.
Nhưng chỉ vài hôm sau, thông tin được cập nhật thêm rằng một số anh em của Trung sĩ Hải đang định cư ở nước ngoài. Lần này, tác giả Nguyễn Viết Tân và tôi hơi phân vân, không rõ các anh em của Trung sĩ Hải còn tha thiết xúc tiến thủ tục gắn tên vào bảng tưởng niệm và xin truy nhận huy chương cho người thân của họ hay là e ngại chính quyền trong nước gây rắc rối cho các thân nhân còn ở lại? Tuy còn vài nghi vấn chưa được xác quyết, tác giả Nguyễn Viết Tân và tôi cùng đi đến kết luận là hỗ trợ nhau để kết cuộc mỹ mãn. Ông hứa:
- Nếu thành công trong việc truy tặng huy chương cho anh Hải, tôi sẽ thông báo trên Đặc San Không Quân và trang Hội Quán Phi Dũng để các cựu Không Quân tham dự cho đông.
Quý thay tình đồng đội!
Thêm một may mắn khác, đó là Việt Báo sốt sắng hỗ trợ tôi qua phương tiện truyền thông. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, cô Thảo từ Việt Báo nhắn:
- Chú Nguyễn Văn Trọng, anh ruột của Trung sĩ Nguyễn Văn Hải, muốn liên lạc với chị để cung cấp thêm chi tiết. Chị có thể liên lạc gấp với chú Trọng được không ạ?
Tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Đương nhiên là tôi liên lạc với ông Trọng không chút đắn đo. Có lẽ người nhà của Trung sĩ Hải bên Việt Nam nhận tin từ chiến hữu cùng khóa với tác giả Nguyễn Viết Tân nên đã nhắn tin cho người thân bên Mỹ của họ là ông Trọng để liên hệ với Việt Báo chăng? Quả là thông tin được truyền đạt nhanh trong thời buổi này. Tuy nhiên, điều võ đoán của tôi không đúng. Sau đó có dịp, tôi hỏi lại ông Trọng bằng cách nào ông biết thông tin liên quan đến em trai của ông thì được ông cho biết:
- Bà xã tôi là người thích đọc sách báo. Việt Báo là món ăn tinh thần của bà. Trước tết Giáp Ngọ 2014, bài viết của cô được đăng trên nhật báo và đặc san xuân, bà xã tôi nhận ra điều cô viết liên quan đến em Hải.
Ông Trọng hiện đang cư ngụ tại thành phố Anaheim, California. Ông cho biết thân sinh ông có tất cả 14 người con, dưới Trung sĩ Hải còn bốn em nữa. Ngày gia đình nhận tin dữ, ông cụ thân sinh cùng hai anh trai của Trung sĩ Hải xuống Biên Hòa nhận xác. Tang lễ xong, bà cụ thân sinh cùng ông Trọng và hai em trai của ông đến gặp Ban Quân Sự Bốn Bên để phản đối sự vi phạm Hiệp Định Paris từ phía Cộng Sản.
Chợt nhớ tác giả Nguyễn Viết Tân đã cho biết nơi chôn cất Trung sĩ Hải, tôi bèn hỏi ông Trọng:
- Thưa chú, tại sao gia đình chọn chôn Trung sĩ Hải ở nghĩa trang Bắc Việt thay vì tại nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa?
- Tôi không được rõ, đây là quyết định của ông bà thân sinh tôi. Ông bà cụ tôi gốc Bắc vô Nam đã lâu, các anh chị em tôi đều sinh trong Nam. Hơn nữa, ông cụ tôi có phần đất ở đó. Nếu cô hỏi những người đang độ tuổi chín mươi mà có thân nhân đã chôn ở nghĩa trang này, có lẽ họ đều biết ông Nguyễn Văn Hồ là ông cụ thân sinh tôi lúc đó đang làm thủ quỹ của Hội Tương Tế Nghĩa Trang Bắc Việt.
- Nhưng sau năm 1975, nghĩa trang này bị giải tỏa.
- Cô nhớ chính xác, gia đình tôi phải chuyển hài cốt của Hải vào chùa cho em yên phận sớm hôm nghe kinh kệ.
Lẽ thường tình cuộc đời con người ta ràng buộc bởi một chữ “phận” đó chăng? Cuộc đời chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Hải cũng không là ngoại lệ.
Số phận định đoạt anh làm người con đất Việt trong thời buổi chiến tranh.
Bổn phận hun đúc chí trai anh đền đáp nợ nước.
Duyên phận của anh cũng không thoát nổi vòng tục lụy. Theo ông Trọng kể lại, em trai ông, chiến sĩ Nguyễn Văn Hải, đã báo trước với gia đình rằng Giáng Sinh năm đó anh sẽ đưa bạn gái về ra mắt gia đình. Anh cũng hẹn với cô rằng xong phi vụ anh sẽ trở về đón cô đi chơi. Buổi chiều hẹn về gặp bạn gái, anh nào thực hiện được! Người thân anh bất chợt nhìn thấy chiếc xích lô đạp đưa cô bạn gái chầm chậm qua nhà anh. Bàng hoàng thảng thốt trước tấm ảnh chiến sĩ hy sinh đặt trên chiếc quan tài phủ cờ, cô lặng lẽ dấu mặt. Một cuộc tình thời chiến vấn khăn tang. Trăm năm không có cho nhau. Thôi đành duyên và phận tìm nhau trong thiên thu.
Chiếc quan tài phủ cờ do 1 đồng đội tháp tùng đứng bồng súng nghiêm cho đến khi di quan đi an táng tại nghĩa trang Bắc Việt, kế Bộ Tổng Tham Mưu Việt Nam Cộng Hòa, gần phi trường Tân Sơn Nhất. Chính đồng đội này đã cung cấp và cập nhật thông tin về gia đình Trung sĩ Hải cho tác giả Nguyễn Viết Tân.
- Gia đình nhận thông tin qua bài viết thì có ý kiến gì không, thưa chú? Tôi hỏi tiếp ông Trọng.
- Chúng tôi mong cô đại diện gia đình để giúp làm giấy tờ và tôi sẽ gửi đầy đủ hồ sơ đến cho cô.
- Con không dám hứa hẹn điều gì nhưng sẽ cố gắng hết sức.
Chưa đầy một tuần sau, ông Trọng gửi qua đường bưu điện cho tôi một phong bì hồ sơ về Trung sĩ Hải: trích lục bộ khai tử, giấy chia buồn của Ban Liên Hợp Quân Sự Bốn Bên, bưu điệp thượng khẩn để truy thăng cấp bậc và ân thưởng huy chương Quân Công Bội Tinh kèm Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu, vân vân. Đặc biệt đính kèm trong hồ sơ là bốn tấm ảnh về anh chiến sĩ mà tôi cố công tìm tên trong một thời gian dài đăng đẳng.
Đã bao lần tôi nhấc lên đặt xuống từng tấm ảnh để ngắm nhìn. Anh hiện diện trước tôi, không với hình hài cụ thể. Vỏn vẹn vài tấm ảnh làm đậm nét thêm về anh trong sự mường tượng của tôi.
Một tấm ảnh chân dung anh mặc quân phục, tuổi đời lúc đó trạc đôi mươi.
Một tấm ảnh anh cao lênh khênh, đứng cuối hàng bên các đồng đội, hậu cảnh là chiếc trực thăng UH1.
Một tấm ảnh quan tài phủ cờ có đồng đội đứng bên bồng súng chào.
Một tấm ảnh bà cụ mặc áo dài, vấn tóc trần, răng nhuộm đen, vật vã khóc thương bên mộ phần anh nghi ngút khói hương, ắt hẳn là bà cụ thân sinh anh.
Tôi trầm lắng trước bộ hồ sơ gia đình Trung sĩ Hải cất giữ từ bao năm qua đã gửi khẩn từ Việt Nam sang cho ông Trọng, để rồi ông chuyển cho tôi với lời gửi gấm trân trọng từ đại gia đình rằng mong được thấy tên người thân của họ trong bảng tưởng niệm.
Gọi điện thoại báo cho ông Trọng biết tôi đã nhận các chứng từ ông gửi, tôi hỏi thêm:
- Gia đình cũng muốn truy nhận huy chương đồng Anh Dũng Bội Tinh kèm chữ V mà chính phủ Mỹ ân thưởng Trung sĩ Hải, phải không chú?
- Thực sự, mong mỏi lớn nhất của chúng tôi là tên của em Hải không còn khuyết danh trong bảng tưởng niệm. Còn nếu được truy nhận huy chương, thì là điều không dám mơ dù muốn lắm, cô à. Chúng tôi thiết nghĩ còn hàng vạn chiến sĩ vô danh bỏ mình nằm xuống mà chỉ có nấm mồ hoặc tấm bia chung, còn em Hải nay được công nhận tên thì đáng mừng rồi.
Thật là một suy nghĩ khiêm cung. Tôi tự nhủ mình phải tận lực để không phụ lòng gia đình người đã khuất. Tôi phác thảo hai điều cần làm. Trước mắt, tôi phải đôn đốc Văn phòng Tìm Quân Nhân Mỹ Mất Tích tiến hành đặt tên Trung sĩ Hải vào bảng tưởng niệm. Mặt khác, tôi gửi hồ sơ đến văn phòng đại diện của vị dân cử thuộc đơn vị 46 nơi gia đình ông Trọng cư ngụ để yêu cầu giúp làm thủ tục truy nhận huy chương cho gia đình anh.
Trên nguyên tắc, vấn đề chỉ còn là thời gian xét duyệt. Tuy vậy, chuyện lại hoàn toàn không đơn giản để thực hiện cho dù đã có đủ chứng từ để xúc tiến thủ tục trả lại tên cho người chiến sĩ khuyết danh bỏ mình vì nước Mỹ vào bảng tưởng niệm.
Từ tháng Chín năm 2012 do nhân duyên mà liên lạc được với Trung úy Lữ Công Tâm, viên phi công lái chiếc trực thăng định mệnh có Trung sĩ Cơ khí Phi hành Nguyễn Văn Hải bị tử nạn, tôi đã trình ngay lên Văn Phòng để hoàn tất hồ sơ, nhưng sự việc vẫn rơi vào im lặng.
Bản thân tôi đã nhiều lần tự hỏi tại sao Văn Phòng Tìm Quân Nhân Mỹ Mất Tích giờ đây lại trì hoãn việc đặt tên anh vào bảng tưởng niệm dù đã bao nhiêu năm qua họ ra sức tìm kiếm không thành công tên người chiến sĩ khuyết danh Việt Nam Cộng Hòa đã bỏ mình cho nước Mỹ. Tôi không thể trả lời cho câu hỏi mình đặt ra. Định thần, tôi cố gắng nhớ thật chi tiết về tấm bảng tưởng niệm qua sự mô tả của các sinh viên.
Đặt tại phòng họp chính của Văn Phòng Tìm Quân Nhân Mỹ Mất Tích ở Washington D.C. là tấm bảng tưởng niệm nhằm vinh danh các chiến sĩ Mỹ và chiến sĩ nước bạn đã bỏ mình trong công tác tìm quân nhân Mỹ mất tích.
Tổng cộng số quân nhân đã bỏ mình vì nhiệm vụ này gồm 8 quân nhân Mỹ, 1 quân nhân Úc, và 10 quân nhân Việt Nam (gồm cả hai phía Việt Nam Cộng Hòa và phía Cộng Sản tại hai thời điểm khác nhau khi thực hiện sứ mệnh hỗn hợp với phía Mỹ). Tấm bảng khắc ghi thời gian xảy ra biến cố theo tuần tự:
Năm 2003 một quân nhân Úc tử thương trong tai nạn trực thăng rơi tại Papua New Guinea khi thực hiện phi vụ tìm quân nhân Mỹ mất tích thời chiến tranh thế giới thứ hai;
Tháng Tư năm 2001, bảy quân nhân Mỹ cùng chín quân nhân phía Cộng Sản Việt Nam bị tử thương trong tai nạn trực thăng rơi trên mỏm núi tỉnh Quảng Bình khi hai bên đang phối hợp tìm phi công Mỹ mất tích thời chiến tranh Việt Nam;
Ngày 15 tháng 12 năm 1973 phía Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa mỗi bên tổn thất một chiến sĩ vì bị Cộng Sản phục kích trong phi vụ hỗn hợp tìm xác chiếc máy bay F100 bị rơi trước đó. Đại úy Richard Rees bị trọng thương nhưng khi thoát ra khỏi được trực thăng thì cũng không thể sống sót. Trung sĩ Nguyễn Văn Hải chết tại chỗ do đạn pháo B40 bắn trúng.
Ngẫm cũng đủ oan khiên, thế nhưng Trung sĩ Nguyễn Văn Hải còn bị bức tử lần thứ hai do trực thăng bốc cháy ngay sau đó. Chứng thư tử thương khẳng định trong ngoặc đơn (chết cháy) tại tọa độ XS.665865 trong phi vụ 3550 danh hiệu 32.
Ngoại trừ tên của chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Hải còn khuyết, tên của những quân nhân hy sinh trong sứ mệnh hỗn hợp với nước Mỹ đều được ghi ơn trong bảng tưởng niệm.
Thiết tưởng chứng từ đã rõ ràng để Văn Phòng Tìm Quân Nhân Mỹ Mất Tích xúc tiến thủ tục gắn tên Trung sĩ Nguyễn Văn Hải vào bảng tưởng niệm. Cứ mỗi Thứ Ba hàng tuần khi màn hình trong studio bật sáng thì các sinh viên từ Văn Phòng Tìm Quân Nhân Mỹ Mất Tích tuần tự xuất hiện trong các giờ học liên tiếp. Tôi tìm cách nhắc khéo để gợi sự chú ý của từng người trong Văn Phòng về hồ sơ ngày 15 tháng 12 năm 1973. Tôi thất vọng với câu trả lời phũ phàng:
- Cháu ơi, đây không phải là việc của cháu.
- Quả đúng, nhưng hẳn bác không quên câu chuyện này được kể đi kể lại không biết bao lần trong lớp học và bác đã tha thiết nhờ cháu giúp sức đó sao?
Có khi, điều kiện Văn Phòng đặt ra chỉ làm khó thêm:
- Giá mà tìm được thân nhân của Trung sĩ Hải thì hồ sơ đã giải quyết nhanh và đóng lại rồi. (Thời điểm đó tôi chưa hề có bất kỳ thông tin nào về thân nhân của Trung sĩ Hải.)
Tuy nhiên, ngay cả khi tôi đã kết nối liên lạc giữa thân nhân của Trung sĩ Hải với Văn Phòng thì lại có thêm nhiều lý do trì hoãn, đại để: sếp mới chuyển đến chưa nắm được vấn đề, hoặc lạc mất chiếc chìa khóa để mở khung kính của bảng tưởng niệm, hoặc nhà thầu nhận khắc kiểu chữ trong tấm bảng tưởng niệm nay đã đóng hoạt động thương mại của họ, vân vân. Những trở ngại trên quả không sai. Nhưng một khi những điều nêu trên được giải quyết thì tại sao sự việc vẫn không tiến hành thêm?
Tự tìm hiểu, tôi lần biết Văn Phòng không chỉ có một mà đến bốn tấm bảng tưởng niệm. Một trong bốn bảng này được đặt ở Phân Bộ 2, Văn Phòng Đại Diện Tìm Quân Nhân Mỹ Mất Tích tại Hà Nội. Phải chăng là vì sự việc liên quan đến một quân nhân Việt Nam Cộng Hòa có thể gây tổn hại đến quan hệ hiện nay của hai nước Mỹ-Việt đã khiến họ dè dặt chăng? Tôi hoàn toàn không có câu trả lời chính xác. Tôi chỉ có thể mơ hồ cảm nhận mà thôi. Tâm tôi bất định.
Tôi thấm buồn, lòng tê tái với thân phận người dân một nước nhược tiểu. Tôi cắn đắng với Văn Phòng mỗi khi gặp nhau tại lớp học qua vệ tinh truyền thông:
- Hãy cho tôi biết còn lý do nào nữa mà các vị trì hoãn thủ tục gắn tên đi.
- Xin lỗi cô, chúng tôi chỉ là những con cá nhỏ.
Trong ngôn ngữ Việt những người có ít hoặc không có chút quyền hành được gọi là những con tép riu còn trong tiếng Anh các vị gọi đó là những con cá nhỏ. Giọt nước đã tràn ly.
- Tôi chỉ muốn sự công bằng. Gạt những khác biệt về quan điểm chính trị qua một bên, các vị hẳn đồng ý với tôi rằng chính phủ Mỹ luôn ghi công bất cứ ai đã hy sinh vì nhiệm vụ cho nước Mỹ chứ? Các vị hẳn còn nhớ phương châm làm việc của Văn Phòng là “Chúng Tôi Không Quên Các Anh” (“You Are Not Forgotten”)? Chẳng thà bao nhiêu năm qua không biết tên người chiến sĩ bỏ mình vì nước Mỹ là chuyện đã đành, mà đến khi biết được rồi thì mục tiêu chính trị vẫn là yếu tố tiên quyết ư?
Tôi hỏi mà không cần nghe câu trả lời vì tai tôi đã ù, nước mắt đã trào, tôi bấm nhanh vào nút xóa để hình mình không hiện trên màn ảnh trong giây lát.
- Cô ơi, cô đâu rồi?
- ..........
- Cô giận chúng tôi sao?
Các câu hỏi của họ cũng không nhất thiết phải nhận sự trả lời.
Đây chỉ là nỗi tuyệt vọng nhất thời. Xét cho cùng, tôi tự nguyện làm việc này chứ nào ai bắt buộc. Tôi hoàn toàn cảm thông với các sinh viên của tôi và không hề chút oán trách. Hiển nhiên là họ có tấm lòng nên mới tỏ bày cùng tôi để rồi từ đó tôi cất công tìm tên anh chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa khuyết danh. Chúng tôi đều hiểu rằng mối quan tâm giải quyết sự việc này không nằm trong tầm ngắm của những nhân vật trọng yếu.
Hai anh chuyên viên trong Văn Phòng đã từng chia sẻ: “Ngày nào chúng tôi còn làm việc nơi này, chúng tôi vẫn tận tâm tận lực để tên của Trung sĩ Hải được thấy trong bảng tưởng niệm.”
Còn tôi ư? Tôi khẳng định với họ: “Nỗ lực tìm tên một chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đặt vào bảng tưởng niệm để tên anh lưu lại trong quân sử Hoa Kỳ thời chiến tranh Việt Nam và gia đình anh truy nhận huy chương ân thưởng từ chính phủ Mỹ là điều tâm niệm nằm trong “bucket list” (Tạm dịch: danh sách những điều cần làm trước khi chết) của tôi.”
Từ đáy lòng tôi biết các sinh viên của tôi có nỗi khổ tâm của họ. Chẳng qua họ cũng như tôi là không có quyền hành trong tay để thực hiện điều mong muốn dù là điều nhỏ nhoi nhưng chính đáng. Riêng bản thân tôi đã cố tình không chấp nhận một điều. Đó là, một khi đã tuyên thệ là công dân và làm việc cho chính phủ sở tại, tôi mặc nhiên phải tuân thủ chính sách của nước đó. Nghĩ đến phận đau của nước mẹ cách mấy đi nữa, tôi cũng đành lực bất tòng tâm. Những con tép riu hay cá nhỏ chỉ có thể lượn lờ nơi khe hẹp lạch nhỏ. Làm sao chúng có thể vẫy vùng như kình ngư nơi biển rộng sông dài?
Tuy nhiên, tôi không chấp nhận sự việc bị bỏ qua mà không đối đầu với thử thách. Lần mới đây nhất, tôi thảo một thỉnh nguyện thư đến vị chủ nhiệm vừa được bổ đến phụ trách Văn Phòng, trong thư tôi lập đi lập lại “Thưa Ngài, xin Ngài hãy làm điều cần phải làm. Xin Ngài nhớ rằng, chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Hải đã hy sinh cho quyền lợi của nước Mỹ.”
Không chỉ thủ tục đặt tên vào bảng tưởng niệm mà yêu cầu xin truy nhận huy chương cho Trung sĩ Hải cũng không mấy khả quan. Phía đại gia đình anh càng lúc càng thất vọng và muốn bỏ cuộc. Tôi suy nghĩ rất nhiều và ngẫm rằng có lẽ mình cần phải gõ thêm nhiều cửa. Thế rồi tôi tham khảo ý kiến của Văn Phòng, xin các anh chỉ dẫn cách xin truy nhận huy chương nhằm gõ đúng cửa hơn. Tôi làm lại hồ sơ nhờ Văn Phòng chuyển đến nơi công quyền để yêu cầu xem xét việc truy tặng huy chương cho Trung sĩ Hải.
Mong đợi. Đợi mong. Mỏi mòn. Mòn mỏi.
Sau cùng, điều mong mỏi đã đến. Không còn lý do nào để trì hoãn nữa thì điều đúng phải được thực hiện thôi.
Ở Mỹ, khi một sự kiện vinh danh diễn ra ở thủ đô nơi có đa số cơ quan công quyền trung ương và quốc tế thì không phải là sự kiện nhỏ. Thường thì báo chí, đài truyền hình, đài phát thanh tại địa phương đặt làm tin chính hoặc ít nhất gửi thông báo. Đằng này, sự kiện Chính phủ Mỹ tiến hành đặt tên người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa vào bảng tưởng niệm những quân nhân hy sinh vì nước Mỹ trong sứ mệnh hỗn hợp diễn ra thầm lặng: không thông báo đến các phương tiện truyền thông và không mời bất cứ thành phần dân sự nào, ngoại trừ đại diện gia đình Trung sĩ Hải.
Bốn mươi năm trước, một ngày tháng tư năm 1975, Bộ Tư Lệnh Lục Quân Hoa Kỳ ký quân lệnh ân thưởng huy chương cho những đóng góp của các quân nhân Việt Nam Cộng Hòa trong hợp đoàn máy bay trực thăng UH1 đã tham gia trong phi vụ ngày 15 tháng 12 năm 1973, theo đó tử sĩ Nguyễn Văn Hải được quyết định truy tặng huy chương đồng Anh Dũng Bội Tinh kèm chữ V. Quân lệnh này đã không được thực thi trong lúc tình thế miền Nam Việt Nam đang rối ren cùng cực.
Bốn mươi năm sau, một ngày tháng tư năm 2015, Chính phủ Hoa Kỳ mới tròn lời hứa.
Từ nơi làm việc của tôi, căn cứ Ord ngày trước, tôi chăm chú theo dõi buổi lễ diễn ra tại phòng họp chính của Văn Phòng Tìm Quân Nhân Mỹ Mất Tích ở Washington D.C. được tiếp vận qua vệ tinh trung chuyển tại căn cứ Eustis, Virginia.
Đại diện cho gia đình là cô Bình, chị gái của Trung sĩ Hải ở Virginia và hai con gái: Bích Thùy cùng chồng là Dũng và hai con trai là Khôi và Khải; và Bích Hạnh cùng chồng là Trung và con trai Duy và con gái Hảo Nhi đã tham dự buổi lễ vinh danh này.
Chỉ huy buổi lễ vinh danh một hạ sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa bỏ mình cho nước Mỹ là Tướng Phó Đô Đốc Michael T. Franken, hiện giữ chức vụ chủ nhiệm Văn Phòng Tìm Quân Nhân Mỹ Mất Tích. Ông đích thân lần lượt cử hành hai nghi thức quân cách: ông trao miếng khắc tên Trung sĩ Hải cho cô Bình, chị gái của anh, để chính tay cô vặn vít gắn vào bảng tưởng niệm. Rồi ông lại trao Huy chương đồng Anh Dũng Bội Tinh kèm chữ V từ Chính phủ Mỹ đến gia đình. Đồng thời, gia đình Trung sĩ Hải được tặng một bảng tên anh để làm kỷ niệm. Thành kính và đơn giản.
Vị đại diện Văn Phòng gửi đến tôi lời cám ơn của nước Mỹ.
Thưa rằng tôi không dám nhận lời cám ơn. Tôi đơn thuần mang trách nhiệm của một công dân hỗ trợ Chính phủ Mỹ thực hiện lẽ phải. Từng là công dân một nước Việt Nam Cộng Hòa, bổn phận của tôi là không quên ơn các chiến sĩ.
Người chiến sĩ bị mất tên 40 năm trước phải được trả lại tên. Tên anh nay đã có lại trong bảng tưởng niệm. Huy chương đã được truy tặng. Từ đây, hy vọng là đại gia đình Cố Trung sĩ Nguyễn Văn Hải được an ủi phần nào.