Thân tặng các cựu SVSQ Trường VBQGVN đã có lần gọi tôi bằng Thầy
Hình như nơi mỗi con người chúng ta vẫn có cái cơ duyên nào đó đưa đẩy khiến cho chúng ta nhiều khi muốn tránh né một loại công việc hay đi theo một con đường nào đó mà chúng ta không thích hoặc không bao giờ có ý lựa chọn cho mình nhưng rồi mình lại cứ phải vướng vào đó như một cái nghiệp. Tôi cũng thấy mình không thoát ra ngoài cái vòng đó. Sinh ra và lớn lên trên một đất nước đang bị tàn phá vì một cuộc chiến tranh trường kỳ và gian khổ, tôi thấy mình phải chứng kiến quá nhiều thương đau cũng như từng gánh chịu nhiều sự mất mát, nhất là sự mất mát những người thân yêu, do đó tôi thấy mình đâm ra ghét chiến tranh, sợ chiến tranh và không muốn tham dự vào chiến tranh. Nhưng chiến tranh thì vẫn cứ quay cuồng như một cơn lốc mê cuồng cuốn hút hàng hàng lớp lớp người tiếp nối nhau đi vào cuộc chiến và có những người đi không bao giờ trở lại.
Tôi bẩm sinh mang một thể chất không được cường tráng, thích sự mơ mộng hiền hoà hơn là những hành động phiêu lưu mạnh bạo, cho nên không bao giờ tôi nghĩ rằng mình sẽ có ngày bước vào nghiệp võ. Do đó khi thấy lớp bạn bè cùng trang lứa rồi cũng đến lượt tiếp nối lớp cha anh bước vào đời quân ngũ, có người do lựa chọn nhưng cũng có người do hoàn cảnh bắt buộc, tôi vẫn mơ ước làm sao cho đất nước sớm trở lại cảnh thanh bình, tôi có thể theo đuổi bậc Ðại học và sẽ có được một cuộc sống yên vui bình thường.
Sở thích của tôi vẫn là được theo đuổi một ngành khoa học nhưng vì hoàn cảnh không cho phép nên lúc lên được Ðại học, tôi đã phải đi vào Văn khoa mặc dù vẫn biết rằng cái ngành này thường không mang lại cho con người theo đuổi nó một cuộc sống khả quan và vững chắc. Không những thế, lúc vào Văn khoa tôi lại chọn ban Triết, một môn học chẳng những không hứa hẹn mang lại cơm no áo ấm cho bản thân mà cũng chẳng có vẻ thiết thực tí nào đối với một xã hội đang quay cuồng vì chiến tranh, còn con người thì đang bị những vấn đề sống chết cũng như mục tiêu cơm áo thôi thúc hàng ngày. Phải chăng đấy cũng là một nghiệp dĩ đối với tôi?
Sau khi nền Ðệ nhất Cộng hòa bị lật đổ, tình hình chiến sự càng ngày càng gia tăng nên lệnh động viên được thi hành triệt để. Vì thế mà sau mấy năm được hoãn dịch vì lý do học vấn, cuối cùng sau khi đã tốt nghiệp Văn khoa, tôi cũng đã phải cầm tờ giấy báo gọi nhập ngũ đến trình diện tại Quân vụ thị trấn Ðô thành Sài gòn. Thật tình mà nói, từ nhỏ cho tới khi đã bước vào tận phòng khám sức khoẻ của Trung tâm Nhập ngũ 3, tôi vẫn chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ là một người lính. Với tấm thân gầy gò, chưa bao giờ cân nặng quá 40 ký và chỉ số pignet thì cũng nằm xê xích con số 40, lại thêm cái vết thẹo nám phổi lúc còn theo học Tú tài, tôi đinh ninh sẽ được quân đội chê, không ngờ sau khi được cân đo và khám tổng quát theo một cung cách rất nhà binh, tôi được xe GMC chở thẳng vào quân trường Thủ đức không một lời từ giã với cuộc đời bên ngoài. Thế là tôi đã bước vào nghiệp võ chỉ vì... "vận nước đang cần đến những chàng trai của thế hệ."
Sau bốn tháng "thao trường đổ mồ hôi" ở quân trường Thủ đức, kết thúc giai đoạn 1 của chương trình huấn luyện căn bản, nhiều bạn đồng khóa với tôi đã được chọn đi ngành, tôi vẫn ở lại. Chút hy vọng được phục vụ trong một ngành chuyên môn đành tan theo mây khói. Tôi hơi buồn nhưng dù sao thì cha chú tôi cũng đã từng tranh đấu và hy sinh cho tự do và chính nghĩa của dân tộc cho nên tôi không thể hèn nhát làm một kẻ trốn chạy, tuy nhiên đối với tôi, khi phải đi chiến đấu thì cái hành động đưa súng nhằm bắn vào con người, cho dù đó là kẻ thù, tôi vẫn cảm thấy như có một chút gì bất nhẫn trong lòng. Ðang cố gắng làm quen với số phận thêm 4 tháng bò lết chuẩn bị cho "sa trường bớt đổ máu" thì một hôm đang đi bãi, tôi được lệnh gọi về trại gấp vì có công điện thuyên chuyển tôi về trường Võ bị Ðà lạt. Tôi không phải là loại COCC để được hưởng những ưu đãi bất ngờ nên tôi cũng không biết đích xác tại sao mình lại bị đưa về đây làm gì, vì khi cầm cái sự vụ lệnh tôi thấy ghi lý do thuyên chuyển chỉ ngắn gọn có mấy chữ : "thực tập giai đoạn 2" nhưng đã là nhà binh thì phải thi hành lệnh mà không cần thắc mắc. Tuy nhiên tôi cũng không khỏi băn khoăn lo lắng vì thấy mình bỗng nhiên lại phải chuyển qua quân trường Võ bị Ðà lạt là nơi đào tạo sĩ quan hiện dịch, như thế có nghĩa là tôi sẽ phải trải qua một sự thụ huấn gay go hơn, và như thế sẽ là một sự thử thách quá lớn.
Vì sự thay đổi đơn vị của tôi có tính cách lẻ loi và bất ngờ nên tôi được hưởng 10 ngày phép đặc biệt và phải tự mình đến Trung tâm Tiếp vận xin phương tiện di chuyển để đến trình diện đơn vị mới. Ðúng ngày ấn định, tôi lên phi trường Tân sơn Nhất đáp chuyến máy bay quân sự để về Ðà lạt. Cùng đi trong chuyến bay này ngoài một số quân nhân thường, còn có rất nhiều SVSQ mang an pha đỏ và phù hiệu Võ bị, chỉ có mình tôi mang phù hiệu Thủ đức. Thấy tôi có vẻ lẻ loi và lúng túng với mớ ba lô túi xách quân trang của mình, trong khi các SVSQ kia đều mang một túi xách gọn nhẹ, vì họ đều là những người đi nghỉ phép thường niên nay quay lại trường, một SVSQ Võ bị đã giúp tôi mang hành lý và gợi chuyện với tôi. Sau khi nghe tôi kể qua sự trạng, anh SVSQ nọ mỉm cười và cho tôi biết là như vậy thì anh ta sẽ phải gọi tôi bằng thầy và giới thiệu tôi là thầy với các SVSQ khác. Tôi hơi ngạc nhiên với lối xưng hô chẳng có vẻ nhà binh tí nào của anh SVSQ này nhưng dù sao thì đây cũng là một điều trấn an đầu tiên của tôi về nỗi lo lắng cho cái tương lai của mình ở trường Võ Bị.
Trong cái lạnh của tháng giêng ở Ðà lạt, tôi chỉ thắng trên mình bộ đồ vàng SVSQ Thủ đức với cặp cầu vai con cá một vạch, lỉnh kỉnh ba lô, sac marin vào trình diện Bộ Chỉ huy trường Võ bị. Kể ra tôi cũng hơi khớp lúc bước chân qua cổng Nam quan, nhìn vào bên trong có những tòa building cao lớn với các sĩ quan hiên ngang trong bộ quân phục mùa đông bằng dạ màu sẫm, khác với bộ đồ kaki vàng mỏng manh của tôi. Tuy nhiên sau khi đã vào trình diện Ðại tá Chỉ huy trưởng rồi được lệnh qua Văn hóa vụ trình diện Thiếu tá Văn hóa vụ trưởng, cuối cùng được phân bổ về khoa Nhân văn, đến trình diện Ðại úy Trưởng khoa, không ngờ lại gặp đúng ông bạn đồng môn già gốc nhà binh ở Văn khoa ngày nào, tôi mới biết rằng số phận đã an bài cho tôi làm thầy ở đây, điều tôi chưa hề nghĩ tới bao giờ. Tôi đã đến với trường Võ bị không vì cái chất võ mà vì cái chất văn của tôi, cũng như trường Võ bị có tôi vì trường cũng đang cần văn cho quan võ. Như vậy cái duyên của tôi với trường Võ bị chính là do nơi cái mối giao duyên văn võ trong chương trình huấn luyện của nhà trường.
Bấy giờ là đầu xuân và cũng là đầu mùa văn hóa nên tôi cũng phải bắt đầu đứng lớp. Trường lúc ấy chỉ có 2 khóa nhưng thành 3 vì khoá 22 có một số không muốn theo chương trình 4 năm vừa được tái thiết lập nên vẫn tiếp tục hệ 2 năm và được gọi là khoá 22A. Số còn lại gọi là 22B cũng như khóa 23 là hệ 4 năm. Tôi đã gặp lại anh SVSQ bắt chuyện với tôi hôm cùng đi máy bay trong một lớp học khoá 22B mà anh ta là Toán trưởng. Sau khi anh ta trình diện lớp học theo đúng quân cách, tôi cũng không quên đáp lại anh ta bằng một nụ cười thông cảm vì bây giờ thì tương quan giữa anh ta và tôi đã bị ràng buộc theo những thể thức mà nội quy đã ấn định.
Kể ra so về tuổi tác lúc bấy giờ thì giữa tôi và các SVSQ khoá 22 cũng chẳng xê xích là bao. Tôi mới tốt nghiệp Ðại học thì bị động viên. Các SVSQ thì có vài người cũng đã từng lăn lóc vài năm đại học bên ngoài nhưng không thành công nên đã quay ra chọn con đường Võ bị. Do đó mà các SVSQ khóa 22A, những người quan tâm đến sự thành công trong binh nghiệp hơn là việc học văn hóa, nhất là cái môn tôi phụ trách dạy cho khoá 22A lúc bấy giờ lại là môn Triết học tổng quát, một môn học có vẻ chẳng giúp ích gì cho những con người đang sửa soạn cầm súng ra chiến trường, cho nên họ cũng đã quấy nhộn không ít vào những giờ học do tôi phụ trách. Những ngày gần cuối khoá, các SVSQ này còn chọc đùa tôi và gọi tôi là Socrate. Tôi nhìn cái bảng đen chằng chịt những từ ngữ trừu tượng của triết học, nhìn bộ quân phục trên mình, nhìn những khuôn mặt yêu đời tràn đầy nhựa sống đang sắp sửa từ giã mái trường này để lao mình vào vòng lửa đạn, nhìn khung cảnh đồi núi nên thơ thanh bình nơi đây trong khi ở những nơi xa xăm nào đó tiếng súng vẫn vọng về hàng ngày như một sự nhắc nhở của thực tế phũ phàng, bất giác tôi thấy mình đâm ra có những suy nghĩ mông lung về những cái tương quan phi lý của cuộc đời. Có lẽ do sự suy nghĩ đó mà tôi đã mỉm cười thông cảm với tất cả những sự chọc ghẹo.
Lúc mới về trường tôi vẫn thường lấy làm lạ tai khi nghe các sĩ quan có lúc dùng tiếng "Cùi" để gọi các SVSQ. Sau khi tìm hiểu tôi mới biết từ này phát xuất từ thời có một vị Văn hoá vụ trưởng xuống đứng lớp ngao ngán cho cái cảnh dạy văn hoá cho những kẻ đã cam tâm chọn con đường võ nên đã tặng cho họ cái từ này. Thực ra thì người SVSQ Võ bị không phải ai cũng không quan tâm đến vấn đề học văn hoá mà có nhiều người rất chăm chỉ chẳng khác gì một sinh viên dân sự ở ngoài đời. Tuy nhiên họ vẫn vui vẻ chấp nhận cái từ này như một cái biệt danh diễn tả một nét đặc biệt nào đó nơi họ.
Kể ra thì suốt thời gian làm công tác giảng huấn, mối tương quan giữa tôi và các SVSQ nói chung vẫn là tốt đẹp lúc ở trong lớp học hay lúc cùng các SVSQ làm công tác trực gác. Tuy nhiên cũng có một lần trong khi giám thị kỳ thi giai đoạn, một SVSQ đã quay bài và bị tôi bắt được. Người SVSQ này đã cầm tập tài liệu dấu trong hộc bàn bị tôi lôi ra xé một cách bực tức trước mặt tôi. Thấy anh SVSQ này tỏ ra môt thái độ quá kém nhã đối với tôi trước mặt các SVSQ khác làm tự ái của tôi bị tổn thương nên tôi lập tức đem sự việc trình cho Giáo sư Trưởng khoa và ông này đã báo ngay lên cho Văn hoá vụ trưởng.
Lẽ ra nếu như anh SVSQ đó chỉ lặng lẽ giao nộp tập tài liệu thì chẳng có chuyện gì đáng tiếc xảy ra. Nhưng hành động thiếu ý thức của anh SVSQ đã làm cho sự việc trở thành nghiêm trọng. Chính vì để bảo tồn danh dự của tập thể SVSQ mà anh SVSQ nọ bị đưa ra Hội đồng Kỷ luật. Cũng may là nội vụ cũng đã được giải quyết một cách hợp lý và anh SVSQ cũng chỉ bị trừng phạt vừa phải chứ không đến nỗi bị kỷ luật nặng nề có thể ảnh hưởng to tát đến tương lai binh nghiệp của anh ta, điều mà nếu xảy ra sẽ làm cho tôi phải ân hận. Tuy nhiên dù sao thì đó cũng là một vết buồn xen vào những kỷ niệm êm đềm của tôi trong thời gian phục vụ tại quân trường này.
Tôi vẫn nghĩ cái duyên của tôi với trường Võ bị cũng chỉ kéo dài theo 4 năm quân dịch của tôi thôi. Cuộc tấn công Tết Mậu thân của quân đội Cộng sản vào các thị trấn Miền Nam đã làm cho tình hình thay đổi và tôi cũng phải quên đi mọi dự tính. Lệnh cho giải ngũ khi đáo hạn các sĩ quan trừ bị thuộc thành phần động viên như tôi ngưng áp dụng. Nhân trường Võ bị có kế hoạch đào tạo giáo sư cho trường bằng cách cho sĩ quan hội đủ điều kiện được cấp học bổng du học để lấy thêm bằng cấp cao hơn và trở thành giáo sư thực thụ của trường, tôi thấy mình cũng không có hy vọng sẽ trở về đời sống dân sự nên đã tình nguyện gia nhập vào chương trình này để làm một "Ðại úy già", từ ngữ mà các sĩ quan Văn hoá vụ vẫn thường dùng để gọi đùa những sĩ quan động viên tình nguyện du học để phục vụ trường lâu dài. Thế là cái duyên văn võ của tôi với trường Võ bị bắt đầu thêm gắn bó.
Chính vì được du học mà tôi cũng đã có một thời gian tạm vắng mặt tại trường, xa các khóa SVSQ để làm một người sinh viên tự do thơ thới ở nước ngoài. Tuy nhiên hình như trót mang cái áo võ trên người thì cái nghiệp võ cũng không để yên cho tôi chỉ cứ hưởng thanh bình cho nên hầu như lần nào có biến cố quân sự xảy đến cho trường tôi cũng lại có mặt để cái nghiệp võ có dịp bắt tôi phải làm cái nhiệm vụ cầm súng.
Trong biến cố Tết Mậu thân, tôi đã cầm giấy nghỉ phép trong tay nhưng không hiểu vì sao tôi lại chẳng đi đâu cả, có lẽ do Tết thì ai cũng mong muốn về nhà để vui hưởng không khí gia đình mà tôi lúc ấy thì lại không có nhà để về. Do đó mà khi Cộng quân đánh vào Ðà lạt, tôi đang nghỉ phép cũng vào trường trình diện để rồi qua kho vũ khí lãnh một khẩu súng. Lẽ ra hàng sĩ quan ngoài khẩu Colt có thể lãnh thêm một khẩu carbine nhưng vì trong kho không còn loại vũ khí cá nhân gọn nhẹ nào khác ngoài loại súng Garant nặng nề tôi đã từng ôm nó hàng ngày lúc còn là SVSQ thụ huấn tại Quân trường Thủ đức nên viên Thượng sĩ coi kho đã trao cho tôi một khẩu Thompson chỉ còn được dùng để huấn luyện. Cầm khẩu tiểu liên trong tay tôi bỗng buồn cười nhớ lại ngày nhỏ trong kháng chiến tôi đã từng nghe có một bài hát ca ngợi du kích giữ làng với mã tấu cũng cướp được Thompson của giặc Tây, một loại vũ khí được coi là tối tân vào thời ấy, nhưng nay thì đã trở thành lỗi thời, và bây giờ thì chính tôi lại đang mang nó ra thử lửa với A.K hiện đại hơn của Cộng quân để bảo vệ tự do cho mảnh đất còn lại.
Mặc dù quân số hiện diện của trường lúc bấy giờ không đầy đủ vì Khoá 23 đang đi phép thường niên, tại trường chỉ còn khoá 22 và khóa 24, vừa mới qua giai đoạn Tân khoá sinh nên hãy còn nhiều bỡ ngỡ, sĩ quan cũng có nhiều người đang nghỉ phép Tết ở xa, nhưng với tinh thần biết hy sinh và có kỷ luật mà số còn ở lại vẫn làm tốt nhiệm vụ bảo vệ trường và thành phố Ðà Lạt.
Thật ra thì người sĩ quan Văn hóa vụ không phải xông pha chiến đấu nhưng không phải vì thế mà không có hy sinh. Trong dịp Tết Mậu Thân cũng đã có một sĩ quan giáo sư bị thương vì đạn A.K của Cộng quân trên đường đi làm nhiêm vụ của người quân nhân. Trong lần Cộng quân đánh đặc công vào trường lần thứ nhất, có hai sĩ quan hy sinh thì một sĩ quan là thuộc Văn hóa vụ và hai sĩ quan bị trọng thương cũng là giáo sư văn hóa. Tất cả đều đang làm nhiệm vụ sĩ quan trực trong đêm hôm đó. Chính vì sự hy sinh đó mà cái tên Ðào thiện Yết đã được chọn dùng để đặt tên cho Nhà Thí nghiệm nặng của trường được hoàn thành sau đó như một sự tưởng niệm người sĩ quan văn hoá này.
Rồi cũng chính vì cái áo võ mà ngày trường Võ bị bắt buộc phải di tản khỏi Ðà lạt, tôi cũng lại có mặt trong đoàn quân cùng với các SVSQ các khóa 28, 29, 30, 31 (cũng vừa mới được gắn an pha) lặng lẽ rút lui qua cổng Lý Thường Kiệt trong đêm tối để xuống Sông Pha. Trên đường di chuyển, tôi quay nhìn lại ngôi trường bỏ lại sau lưng với ngọn lửa kho xăng đang bốc cháy và những tiếng nổ từ kho đạn vang lên trong đêm mà thấy lòng se thắt.
Ðoàn quân tiếp tục cuộc hành trình gian nan qua Phan rang, vào Phan thiết, Bình Tuy rồi được phi cơ chở về Biên hoà, tạm đóng quân ở trường Bộ binh Long thành. Tại đây tôi lại ngậm ngùi chứng kiến cảnh ra trường non của các SVSQ khóa 28 và 29, trong sân cử hành lễ mãn khóa mà ngoài sân thì xe GMC của các đơn vị nổ máy túc trực sẵn chờ đưa các Tân sĩ quan ra thẳng chiến trường.
Mặc dù thấy rõ tình hình quân sự cũng như chính trị đã đến hồi không còn cơ cứu vãn, hầu hết cấp chỉ huy đã cao chạy xa bay, tôi cùng một số rất ít sĩ quan còn kẹt lại vẫn theo trường (bấy giờ chỉ còn lại khóa 30 và 31), cùng với trường Bộ binh Long thành trong đợt rút lui về Thủ đức, đóng quân tại doanh trại vốn từng là cơ sở của trường Bộ binh trước kia. Tại đây tôi đã buồn rầu chứng kiến lễ nhậm chức của tân Chỉ huy trưởng được cử hành một cách đơn giản tới mức tối đa trong một căn phòng trống rỗng không bày biện, trước một số sĩ quan thật thưa thớt, để rồi vài ngày sau đó chợt bàng hoàng thấy mình tan hàng tại chính nơi 9 năm về trước tôi bỡ ngỡ bước vào đời quân ngũ như một tân khóa sinh.
Những ngày bị tập trung cải tạo, tôi đã có dịp gặp lại một số cựu SVSQ Võ bị cùng chung thân phận trong các trại giam. Thường các cựu SVSQ này đã nhận ra tôi trước khi tôi nhận ra họ. Có thể nói là các cựu SVSQ lớp trẻ đều có một lập trường quốc gia rất vững và tinh thần tương thân tương trợ rất cao. Chính tôi cũng đã từng được các cựu SVSQ ở chung trại liên lạc, giúp đỡ và thông báo những tin tức cần thiết. Nói chung thì tất cả các cựu SVSQ này khi gặp tôi họ cũng không quên lối xưng hô cũ và vẫn gọi tôi bằng tiếng thầy thân yêu dù có một số cựu SVSQ chưa bao giờ tiếp xúc với tôi qua lớp học văn hóa hồi còn ở quân trường, hoặc so về cấp bậc thì họ đã qua mặt tôi. Trong hoàn cảnh trại giam, con người bị giản lược thành một sinh vật bị cầm tù thì ai cũng như ai, cái tiếng thầy trong trường hợp này quả thực đã biểu lộ rất nhiều ý nghĩa, và đó cũng là cái điều chứng tỏ cho thấy cái tinh thần tôn trọng mối tương quan văn võ là một nét độc đáo của người SVSQ Võ bị và điều ấy đã trở thành một truyền thống ăn sâu vào tâm thức các cựu SVSQ khiến cho dù hoàn cảnh có thay đổi, tâm thức ấy vẫn không bị xóa nhoà.
Qua bao nhiêu năm tháng sống mỏi mòn trong các trại tập trung rồi cũng được thả về nhưng chỉ để làm một loại phó thường dân không có tí quyền hạn gì đối với quê hương đất nước của mình, tôi những tưởng thế là hết. Nhưng rồi tình thế lại xoay chiều. Có lẽ vì muốn cứu vãn cho tình trạng bi đát của nền kinh tế cộng sản mà nhà cầm quyền cộng sản đã buộc lòng cho phép những cựu sĩ quan và viên chức chế độ cũ đã từng bị chế độ mới tập trung cải tạo được ra đi định cư ở nước ngoài. Tôi cũng nằm trong thành phần đó và đã ra đi, không biết là mình vui hay buồn vì tuổi hoa niên của tôi đã bị hao mòn và lãng phí vì tù đày mất rồi.
Biến cố 30-4-75 xảy ra, chấm dứt nền Cộng hòa của Miền Nam cũng là cơ hội mở màn cho một thời kỳ tỵ nạn sống lưu vong của những con người Việt nam không chấp nhận chế độ cộng sản. Nguyên nhân và trách nhiệm của sự đổ vỡ của một chế độ do đâu và lỗi về ai là điều lịch sử về sau sẽ phán xét. Nhưng dù sao thì đối với những con người đã có một lần tham dự vào cuộc chiến với ý hướng bảo vệ tự do và mưu cầu hạnh phúc cho dân tộc thì khi nhìn lại cũng không làm sao tránh khỏi đau lòng vì thấy bao công lao và nhiệt tình của bao lớp người đã đổ ra đều hoá ra công dã tràng.
Riêng đối với những con người vốn là cựu SVSQ Võ bị thì qua bao nhiêu năm tháng với nhiều biến đổi, ngoài những người đã hy sinh ngoài chiến trường hay nằm xuống trong các trại tập trung cải tạo, đa số những kẻ còn sống sót nay đã định cư ở các nước tự do. Mặc dù trường Võ bị Quốc gia Ðà lạt không còn tồn tại trên thực tế nhưng lý tưởng quốc gia dân tộc vẫn còn và cái truyền thống của những con người Võ bị Ðà lạt vẫn được duy trì. Ðặc san Ða hiệu lại tái xuất hiện trên vùng đất dung thân của những người xa quê hương để tiếp nối truyền thống đấu tranh cho lý tưởng tự do dân tộc và là sợi dây liên lạc để cho những người còn sống nghĩ đến nhau bằng tình cảm thương yêu đùm bọc và cho người đã nằm xuống còn được nhắc nhở đến bằng những cảm tình thương tiếc chân thành.
Ðến xứ người làm lại cuộc đời một cách muộn màng, mới đầu tôi thấy mình hầu như cũng chẳng còn gì để làm lại. Nhưng rồi một hôm tờ đặc san Ða hiệu đã đến với tôi và tôi thấy rằng cuộc chiến tranh bằng quân sự tuy đã chấm dứt nhưng cuộc chiến đấu trên mặt trận chính trị vẫn còn tiếp diễn và càng ngày càng mở rộng. Những người cựu SVSQ trường Võ bị đã dùng tờ đặc san Ða hiệu như một phương tiện đấu tranh cho chính nghiã Tự do của dân tộc và nhờ qua đặc san Ða hiệu, tôi thấy mình vẫn có thể đóng góp chút gì đó vào sự duy trì và nâng cao tinh thần truyền thống đấu tranh của người cựu SVSQ Võ bị bằng cách truyền đạt lại cho những người mình thương mến một chút suy tư và kinh nghiệm của mình về những vấn đề liên quan đến sự tồn vong của dân tộc, do đó tôi đã không ngần ngại tham gia gửi bài vở cho tờ Ða hiệu và chính nhờ thế mà một lần nữa, tôi thấy cái duyên văn võ của mình với trường Võ bị vẫn còn được tiếp nối.