Menu


NHỮNG KỶ NIỆM SAU CÙNG TẠI TRƯỜNG VÕ BỊ QUỐC GIA VIỆT NAM

 CỦA 4 KHÓA: 28, 29, 30, 31.

(Trích đăng từ Tập San Đa Hiệu 98.)

Phan Văn Lộc (Cựu SQSQ K30 TVBQGVN)

Hơn 3.000 thí sinh trên toàn quốc đã ghi danh tham dự kỳ thi tuyển vào khóa 30 trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Sau khi trải qua kỳ thi đầy khó khăn, 300 thí sinh đã được trúng tuyển, trong đó có tôi và ngày 27 tháng 01 năm 1974 chúng tôi được tập trung về đồi 1515, tạm trú trong khu quân xa để chờ qua một kỳ khám sức khỏe tổng quát. Đến ngày 31/1/1974 tổng số 223 thí sinh được chính thức công nhận là Tân Khóa Sinh Khóa 30 trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam (lúc bấy giờ vị Chỉ Huy Trưởng là Thiếu Tướng Lâm Quang Thơ). Tân Khóa Sinh Khóa 30 được Khóa 27 hướng dẩn và huấn luyện trong 2 tháng, rồi cũng như các khóa đàn anh, chúng tôi phải trải qua 8 tuần sơ khởi đầy gian nan để trở thành SVSQ và ép mình trong kỷ luật thép của năm thứ nhất.

Ngày 9/1/1975, sau một năm trong lò luyện thép, khóa 30 được hưởng 2 tuần phép thường niên, đó là điều vui mừng cho chúng tôi sau một năm sống xa gia đình. Sau khi hết 2 tuần phép tôi đành phải từ giã gia đình, người yêu, bỏ lại sau lưng những ngày êm đềm, hạnh phúc ở thủ đô nắng ấm Sài Gòn để trở về Đà Lạt với quân trường cùng biết bao nhiêu kỹ luật và hình phạt đang chờ đợi. Tôi phải dùng đường hàng không Việt Nam, vì lúc đó đường xe đò thường bị quân Việt Cộng chận lại để bắt quân nhân và nhân viên VNCH.

Tôi chợt nhớ đến khi ngồi trên phi cơ, cô nữ tiếp viên đến đưa nước mời tôi dùng, cô nhìn bảng tên đeo trên áo dạo phố mùa Đông của tôi, cô nhìn tôi mỉm cười:

- Thương vợ bé quyết giữ vợ nhà, phải không anh?

Tôi ngạc nhiên nhìn cô và hỏi:

- Thưa cô, tại sao cô biết được câu nầy?

Cô cười duyên, nhỏ nhẹ trả lời tôi:

- Thưa anh, em đọc trên bảng tên của anh những chữ TVBQGVN nè.

Tôi hỏi tiếp:

- Có phải cô có người thân xuất thân từ trường Võ Bị không?

Cô trả lời tôi:

- Dạ không! Em có một cô bạn ở Đà Lạt nói với em mà thôi!

Tôi tươi cười trả lời cô:

- Ồ ! Đó chỉ là câu nói đùa cho vui thôi cô à, chúng tôi không được phép cưới vợ trong thời gian 4 năm học ở trường.

Cô không trả lời chỉ cười nhẹ, rồi bỏ đi tiếp tục làm nhiệm vụ của mình.

Thì ra câu nầy đã được truyền miệng từ các cô gái Đà Lạt vì tôi cũng có nghe cô em họ cư ngụ ở Đà Lạt nói với tôi như thế.

Máy bay đáp xuống phi trường Liên Khương, rời phi trường bằng xe bus và trạm cuối cùng là nhà ga xe lửa Đà Lạt, sau đó tôi phải dùng xe đò về chợ Chi Lăng vào trường bằng cổng sau “Cổng Tôn Thất Lễ”.

Nhìn lại ngôi trường thân yêu mới xa 2 tuần mà lòng tôi dâng lên niềm cảm xúc như được gặp lại người thân sau bao ngày xa cách.

Qua khỏi phạn xá tôi ngạc nhiên thấy không khí trường vắng lặng khác với thường ngày. Về tới căn phòng quen thuộc thu dọn đồ đạc cho ngăn nắp, tôi bắt đầu trở lại sinh hoạt của một SVSQ nhưng ít bận rộn hơn năm thứ nhất, vì tôi đã trở thành đàn anh của khóa 31 vừa mới nhập trường.

Tôi bước qua phòng bên cạnh, hỏi thăm một NT Khóa 28 thì mới biết lý do trường vắng là vì Khoá 29 và nửa Khoá 28 đi học Dù ở trại Hoàng Hoa Thám Sài Gòn, còn nửa Khóa 28 ở lại trường để huấn luyện Khoá 31, và thêm một số SVSQ khóa 30 đi phép cũng chưa về đủ.

Lúc nầy là mùa QuânSự nhưng chúng tôi chỉ được giao nhiệm vụ phòng thủ mà thôi, cho tới đầu tháng 2/1975 khóa 30 mới thật sự bước vào mùa Quân Sự năm thứ hai.

Trong thời gian nầy tin tức cho biết tình hình chiến sự bên ngoài rất sôi động nên Bộ Chỉ Huy trường ra lệnh tu bổ lại các giao thông hào cũng như các khẩu súng cối đặt cho đúng vị trí. Các khóa đi học phải trang bị vũ khí đầy đủ hỏa lực để sẵn sàng tác chiến nếu cần.

Vào gần cuối tháng 2 năm 1975 nửa khóa 28 và khóa 29 được lệnh trở về trường mặc dầu khóa Dù chưa hoàn tất nên sinh hoạt của trường có phần rộn rịp hơn. Cũng trong tháng nầy một sự việc xảy ra rất buồn cười nhưng cũng làm cho các SVSQ một phen hoảng vía. Câu chuyện xảy ra như sau:

Trung Đoàn SVSQ được lệnh Đại Tá Quân Sự Vụ Trường Nguyễn Thúc Hùng tập hợp trước phạn xá để Đại Tá thông báo tình hình đất nước và gửi lời nhắn nhủ với Trung đoàn SVSQ. Trong lúc ông đang nói thì trong hàng quân có tiếng hô lớn:

- Lựu đạn rớt, nằm xuống.

Tôi cũng như tất cả SVSQ khác chạy tản ra và nằm xuống đường nhựa ... độ 15 phút sau không thấy động tịnh gì cả, Đại Tá ra lệnh tập hợp và kiểm soát coi việc gì đã xảy ra, thì chúng tôi được biết có một trái lựu đạn tuột khỏi ngòi nổ rớt xuống đường nhưng nó không nổ. Tôi không biết SVSQ khóa nào đã làm rớt quả lựu đạn, nếu lúc trước trong trường hợp nầy, chúng tôi sẽ bị một màn phạt dã chiến tơi tả nhưng hôm đó chúng tôi chỉ bị khiển trách mà thôi.

Đến giữa tháng 3 năm 1975 khoá 31 được gắn Alfa và cả Trung Đoàn SVSQ bước vào mùa văn hóa, tuy nhiên tin các tỉnh Kontum, Pleiku, Ban Mê Thuộc và những thành phố từ Quãng Trị trở vào lần lần bị mất vào tay quân Việt Cộng được đưa về trường từng ngày, nên Trung Đoàn SVSQ đều được trang bị vũ khí cho tình trạng tác chiến ngay cả khi lên lớp học văn hóa. Chúng tôi không còn tâm trí để học, cũng như chú tâm vào bài vở.

Gần cuối tháng 3, chúng tôi nghe đài BBC cho biết vùng 1 di tản và Tướng Ngô Quang Trưởng vào Đà Nẵng, Quãng Trị và Huế bỏ ngõ.

Ngày 30/3/1975 khóa 28, 29, 30 và 31 được lệnh thượng cấp trở về doanh trại sửa soạn quân trang, quân dụng cho một cuộc di hành xa, chúng tôi không một ai biết đây là cuộc di tản toàn trường ... Đại Đội H và Đại Đội G tập họp trước doanh trại GH tuần tự lên xe GMC đậu trước cột cờ Trung Đoàn, đồng hồ tay kim chỉ khoảng hơn 3 giờ chiều. Sau khi Liên Đội G, H lên xe GMC đầy đủ, đoàn xe bắt đầu chuyển bánh chạy qua cổng Nam Quan, hướng về ấp Thái Phiên. Xe chạy ra khỏi cổng trường, linh tính cho tôi biết có điều gì khác lạ, quả thật lần ra đi đó là lần vĩnh biệt, tôi sẽ không bao giờ còn dịp trở lại ngôi trường thân yêu nầy nữa.

Đến 6 giờ chiều Liên Đội G, H được thả xuống quốc lộ từ Cầu Đất rồi đến Liên Đội E, F được thả xuống trải dài cho đến đập thủy điện Đa Nhim ... Nhiệm vụ của chúng tôi là ngủ đêm tại đây để giữ an ninh trục lộ cho các liên đội khác đi qua.

Ngày hôm sau khoảng 7 giờ chiều chúng tôi được lệnh di chuyển bắt đầu về hướng Đơn Dương, Liên Đội G, H dẫn đầu. Dân cư trong thị xã Đà lạt hay tin các SVSQ đã rời trường Võ Bị nên họ bắt đầu bỏ Đà Lạt để đi theo. Chúng tôi được lệnh đi bộ hai bên đường để bảo vệ cho dân đi chính giữa, chúng tôi đi đến đâu là dân bỏ nhà đi theo chúng tôi bằng mọi phương tiện mà họ có thể dùng được, kể cả xe bò.

Chúng tôi đi bộ suốt đêm, mãi đến 5 giờ sáng ngày 1/4/1975 Liên Đội G, H mới xuống hết dốc đèo Sông Pha và được lệnh dừng quân tại đây để chờ các Liên Đội khác xuống đèo cho đầy đủ, vì thế tôi có chút thời gian để nghỉ ngơi lấy lại sức bù lại một đêm không ngủ.

Kê đầu lên ba lô bên vệ đường, tôi nằm ngủ một giấc ngon lành cho đến khi bị đánh thức bởi tiếng động cơ và tiếng người ồn ào bên tai. Mở mắt ra tôi thấy dân chúng và từng đoàn xe dân sự, quân sự lũ lượt tiếp nối nhau trên quốc lộ 11 hướng về Bình Tuy.

Đến 9 giờ chúng tôi được lệnh tập họp và lên xe GMC đậu sẵn trên quốc lộ di chuyển về hướng Phan Rí. Khi di chuyển qua thành phố nầy tôi không còn nhìn thấy nhân viên công lực hiện diện để giữ an ninh trật tự cho dân chúng. Chúng tôi đến thị xã Phan Thiết vào buổi chiều cùng ngày, Tiểu Đoàn 1 và một phần của Tiểu Đoàn 2 đóng tạm trong trường tiểu học Trần Hưng Đạo (Tiểu khu Bình Thuận) gần tòa Hành Chánh.

Tờ mờ sáng ngày 2/4/1975 chúng tôi còn đang chìm trong giấc ngủ thì bật choàng dậy vì một tiếng nổ long trời, Trung Đoàn cho biết quân Việt Cộng đang pháo kích vào tỉnh, tiếng nổ vừa rồi là do một trái pháo rớt trong hầm xăng của Tòa Hành Chánh Tỉnh, Từ trường trung học tôi có thể thấy ngọn lửa bốc lên rất cao.

Trung Đoàn SVSQ được lệnh phân tán mỏng vì sợ sau khi pháo kích, họ có thể sẽ tấn công, nhưng sau vài giờ không thấy động tịnh gì nên chúng tôi lên xe tiếp tục cuộc hành trình về hướng Bình Tuy. Khi ra khỏi tỉnh Phan Thiết chúng tôi di chuyển rất khó khăn vì làn sóng người quá đông kể cả dân chúng và nhiều binh chủng như Biệt Động Quân, Thiết Giáp ... các quân nhân từ vùng 1 chạy về tháp tùng với chúng tôi tạo nên một đoàn người di chuyển vô trật tự...

Trên đoạn đường nầy có nhiều cảnh thương tâm xảy ra trước mắt tôi, nào là cha mẹ lạc mất con, vợ mất chồng, người chết vì đạn lạc. Hình ảnh tôi không bao giờ quên được là một em bé khoảng 3-4 tuổi ngồi khóc bên thi thể người mẹ, không một ai bên cạnh và cảnh tượng một người đàn ông ngồi trên chiếc xe chật cứng rơi xuống đường rồi bị xe cán, những người dân di tản khiêng xác nạn nhân để nằm đại bên vệ đường.

Chiều ngày 2/4/1975 Trung Đoàn SVSQ đến ngả ba Bình Tuy, trước khi vào Bình Tuy phải qua một cây cầu, cầu nầy đã bị họ phá xập được Công Binh sửa tạm để giao thông không bị gián đoạn. Khi chiếc xe đầu tiên đi tới nữa cầu thì bị một toán Địa Phương Quân giữ cầu đóng trên đồi bắn xuống không cho qua.

Thiếu Tướng Lâm Quang Thơ ra lệnh cho NT Quách Tinh Cần K20, gọi máy vào Bình Tuy thì được Chuẩn Tướng Trần Văn Nhật K10 lúc đó là Tư Lệnh chiến trường Bình Tuy cho biết vì sợ trời tối nếu lính vào tỉnh, ông khó kiểm soát được, nên Trung Đoàn SVSQ đành phải ngủ tạm tại đây.

Sáng hôm sau lúc 5 giờ Trung Đoàn SVSQ được lệnh vào Bình Tuy, khi chiếc Thiết Giáp M113 của chi đội thiết giáp tháp tùng chung với chúng tôi dẫn đầu qua nửa cầu thì bị một trái B40 từ trên đồn Địa Phương Quân bắn xuống bị cháy. Lúc đó tôi ngồi trên xe Jeep cách Tướng Lâm Quang Thơ một chiếc xe nên tôi thấy gương mặt Tướng Thơ lộ nét giận dữ, ông quay qua nói với NT Quách Tinh Cần gọi điện vào Bình Tuy hỏi lý do tại sao có B40 bắn xuống, thì được Tướng Nhựt cho biết đồn nầy đã bị VC chiếm đóng đêm hôm qua. Thiếu Tướng Lâm Quang Thơ Tức giận ra lệnh cho chúng tôi phá chốt để vào Bình Tuy, chúng tôi xông lên đồi triệt hạ đồn này, nhưng trong lúc phá chốt nầy không may tôi bị thương, tôi bị viên đạn xuyên qua phổi nên phải ở lại bệnh viện Bình Tuy để điều trị. Trong cơn nguy khốn tôi được các NT cũng như những quân nhân và bác sĩ đã có thời gian phục vụ tại trường Võ Bị giúp đỡ tận tình nên tôi được cứu sống. Điều đó đã nói lên tình tự Võ Bị của SVSQ trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam và những quân nhân, bác sĩ từng phục vụ tại quân trường nầy.

Từ khi bị thương tôi phải nằm lại bệnh viện Bình Tuy điều trị nên không thể đi theo trường di tản. Để câu chuyện không bị gián đoạn, tôi xin phép quý huynh đệ cho tôi được tiếp tục kể lại cuộc di tản của trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam trong những ngày cuối tháng 4/1975 theo lời tường thuật của các NT khóa 29, các bạn K 30 và K 31:

Theo lệnh của Tướng Thơ, Trung Đoàn SVSQ đã phá được chốt xong, Trung Đoàn được lệnh vào Bình Tuy nhưng vũ khí cá nhân đều phải bỏ lại tại cổng kể cả các binh chủng khác. Vài giờ sau chỉ có Trung Đoàn SVSQ/VB là được quyền lấy lại vũ khí của mình. Sau đó Trung Đoàn được ở lại hai đêm một ngày tại Bình Tuy.

Khoảng 1 giờ trưa ngày 5/4/1975 Trung Đoàn vào phi trường Bình Tuy và được phi cơ C130 vận chuyển về Biên Hòa. Từ phi trường Biên Hòa, Trung Đoàn được đưa về căn cứ Long Thành bằng xe GMC ở chung với SVSQ trường Bộ Binh Thủ Đức.

Trong thời gian nầy Trung Đoàn SVSQ không có giờ tự học, không có đi bãi thực tập quân sự như ở trường mà chỉ có canh gát doanh trại, có một số SVSQ gia đình ở Sài Gòn hay các vùng lân cận được phép về thăm gia đình.

Ngày 9/4/1975 một hung tin đưa về Trung Đoàn cho biết trường Huấn Luyện Thiết Giáp cách chúng tôi khoảng 3-4 cây số đã bị đã bị đặc công VC xâm nhập, có một người bị tử thương đó là Thủ Khoa Hoàng Văn Nhuận K27, Trung Đoàn SVSQ rất đau buồn đã có một phút mặc niệm để tưởng nhớ người con của Trường Mẹ vừa mới hy sinh.

Càng ngày tin chiến sự càng bất lợi về phía VNCH. Để đáp ứng với tình hình hiện tại, ngày 21/4/1975 Bộ Tổng Tham Mưu quyết định cho 2 khóa 28 và 29 ra trường sớm, chỉ giữ lại khóa 30 và 31. Lễ Mãn khóa được tổ chức vội vàng và đơn giản nhất trong lịch sử trường VBQGVN.

Từ lúc khóa 28 và 29 ra trường, tâm trạng SVSQ khoá 30 cảm thấy bơ vơ và lạc lõng, tuy nhiên khóa 30 có niềm hãnh diện là được lãnh trách nhiệm chỉ huy Trung Đoàn SVSQ do đàn anh giao phó.

Ngày 24/4/1975 Trung Đoàn di chuyển về Huấn khu Thủ Đức (Trường Bộ Binh Thủ Đức cũ) kể cả các SVSQ Trường Sĩ Quan Thủ Đức. Sinh hoạt của Khoá 30 và 31 cũng giống như những ngày ở Long Thành.

Ngày 29/4/1975 Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2 là Nguyễn Văn Dục K17 vào mở kho vũ khí của Trường BBTĐ ông thấy trong đó có 8 khẫu M72, ông lấy ra chia 4 khẩu cho SVSQ Võ Bị, còn 4 khẩu ông giao lại cho SVSQ Thủ Đức (các khoá SVSQ Võ Bị sau nầy đều có thực tập và xữ dụng M72).

Đại đội H khoá 30 phòng thủ ở doanh trại gần cổng chính, do đó trong lúc sáng ngày 30/4/1975 một số SVSQ Đại Đội H ngồi uống cà phê nơi cửa sổ của doanh trại thì nhìn thấy từ xa một chiếc T54 từ cổng chính chạy vào bắn xập vách tường của một doanh trại khác. Lúc đó các SVSQ Đại Đội H mới biết VC đã vào tới trường BB/TĐ, tất cả đều cầm lấy súng nhảy xuống giao thông hào, vài phút sau có tiếng bắn ra từ khẩu M72 về hướng T54, chiếc nầy trúng đạn bốc cháy, tuy nhiên đại liên trên chiếc T54 vẫn còn bắn, vì vũ khí toàn là súng cá nhân nên Đại đội H không dám rời khỏi giao thông hào.

Khoảng 1 giờ sau lính cơ hữu SVSQ Thủ Đức và SVSQ Võ Bị các Đại Đội khác từ phía trong đi ra hướng về cổng chính, Đại Đội H ra gặp thì được biết Tướng Dương Văn Minh đã ra lệnh đầu hàng ... Lúc đó khoảng hơn 10 giờ sáng ngày 30/4/1975.

Thế là hết!!!

Bao nhiêu ước mơ, bao nhiêu hoài bão của những chàng trai nguyện dâng suốt cuộc đời cho binh nghiệp thì nay đã bị tan thành mây khói. Các bạn tôi trong Đại Đội H không ai nói với ai lời nào, cùng ngồi xuống bên vệ đường lấy thuốc ra chia nhau hút mong sao cho lòng vơi bớt đi nỗi buồn sâu thẳm vì không ngờ cuộc đổi đời xảy ra bất thình lình, nhanh chóng như thế nầy.

Một lúc sau Thiếu Tá Nguyễn Văn Dục tập hợp các SVSQ lại để ông nói lời tâm sự cuối cùng, ông nói:

- Kể từ giờ phút nầy tôi không còn trách nhiệm chỉ huy các anh nữa, các anh tự động rời khỏi nơi đây để trở về với gia đình, xin tạm biệt, chúc các anh nhiều sức khỏe và may mắn.

Sau đó các bạn tôi đi ra khu gia binh xin quần áo dân sự để thay và tìm cách về nhà.

Đã mấy chục năm trôi qua ... khi viết lại những dòng chữ nầy lòng tôi vẫn còn xúc động, những sự việc ngày nào như mới vừa xảy ra trước mắt. Những hình ảnh đau buồn đó đã ăn sâu vào tiềm thức tôi suốt cuộc đời nầy. Tôi không thể nào quên.

Xin chân Thành cảm ơn Ban Biên Tập Đa Hiệu, NT Tô Văn Cấp K19. NT TSu A Cầu K29, Nguyễn Xuân Quý K31 và các bạn K30 đã khuyến khích, giúp tôi bổ túc, hoàn thành bài viết nầy.

(Đa Hiệu 98)