Menu


Nhân ngày 30 tháng 4 năm 2018

TƯỞNG NIỆM NGÀY QUỐC HẬN

Trong một buổi lễ tại Viện Bảo Tàng Chiến Tranh Virginia.

“Mỗi năm cứ đến ngày oan trái
Thắp nén hương lòng để nhớ thương”

Kính thưa quý vị, thời gian như vó câu song cửa, thấm thoát đã bốn mươi ba năm trôi qua kể từ ngày 30 tháng Tư định mệnh. Vật đổi sao dời, dòng đời điên đảo, thân phận lưu vong, hôm nay chúng ta quy tụ nơi Bảo tàng chiến tranh này, cùng những vị khách trong chính trường Virginia, những cựu chiến binh Hoa kỳ và Việt Nam, các bạn trẻ con cháu quân cán chính Việt Nam Cộng Hoà, cùng các bạn trẻ du học sinh, sinh viên chúng ta trang trọng tưởng niệm và tri ân quốc tổ, Các Vị Vua Hùng, đã bao đời dày công xây dựng bờ cõi, bảo tồn nền độc lập tự do cho dân tộc, cùng với bao anh hùng tử sĩ trong chiến cuộc Nam-Bắc vừa qua.

Ôn lại lịch sử soi rõ hướng đi tương lai. Lời thơ xưa vang vọng “Chí làm trai dặm ngàn da ngựa, gieo Thái sơn nhẹ tựa hồng mao” Nghe sao sảng khoái và vô ưu. Nhưng thực tế không đơn giản, vì sau một chinh phu tung hoành trận mạc là một cô phụ thao thức chờ mong. Là cha yếu, mẹ già, là đàn em nhỏ dại, những đứa con thơ vô tội. Cái chết không thể dự báo, cái chết không nhẹ tựa hồng mao. Những hy sinh ấy đáng cho chúng ta trân trọng, cảm phục, và nên mẫu mực cho chúng ta noi theo.

Tưởng niệm 50 năm thảm sát Mậu Thân, khi tình đồng bào bị xé nát bởi hận thù giai cấp, bạo lực cách mạng. Những nấm mồ tập thể, những linh hồn oan khuất cần được tưởng nhớ, được minh xác bằng chính sử. Không còn gì bất nhân bằng khi thủ phạm lại nhảy múa trên xác của những nạn nhân vô tội. Điều mà nhà cầm quyền Việt Nam đương thời đang tổ chức và cổ võ. Đáng buồn thay cho ông Nguyễn Thiện Nhân, vì chính cái tên bố mẹ ông chọn đã gửi gắm vào đó bao kỳ vọng thiện và nhân. Với kiến thức và học vấn nhân bản dân chủ, ông lại làm một việc mà tôi rất lấy làm tiếc, vì có thể cái tên kỳ vọng của song thân không còn nguyên ý nghĩa, mà có khi nó lại rơi ngay vào cái ác, không khéo vì việc ông cổ vũ cái gọi là thành quả cách mạng Mậu Thân sẽ gắn liền với tên ông, không Thiện Nhân, mà Ác Nhân. Nếu tôi may mắn được ông đọc những dòng nay, tôi xin thành thật chia buồn cùng ông. Cái Nhân cần thêm cái Dũng, cái khí khái trượng phu.

Làm người với bao ràng buộc: nợ nước tình nhà, hy sinh nào không để lại nỗi đau chia cắt, thế mà anh linh bao tử sĩ vô danh mang hồn thiêng sông núi, gương hiếu trung tuẫn tiết của những vị anh hùng há không nói lên khí phách nước Nam sao! Nào những Lê Nguyên Vỹ, Nguyễn Khoa Nam, Trần Văn Hai, Phạm Văn Phú há không ngẩng đầu bảo toàn khí tiết của bậc trượng phu sao. Vằng vặc trời Nam, gương tuẫn tiết ghi tạc non sông, khí hùng rọi soi hậu thế.

Ngày kia, sau cuộc chiến, nơi trại tù khổ sai, những chiến binh bại trận đang bị đoạ đày lao lực. Một nhóm người thành thị đến thăm tù nhân. Xa xa người cai tù lăm lăm khẩu súng. Kéo nón che mặt, tù nhân hỏi vọng một phụ nữ: “Chị ơi! Sài gòn vui không?”. Nghẹn ngào, cô gái trẻ trả lời với hai giọt nước mắt rưng rưng: “Sài gòn buồn lắm, Sài gòn chỉ vui khi có các anh về.” Câu trả lời nghẹn mãi trong tim.

Hướng về tương lai chúng ta luôn tin tưởng và lạc quan về chính nghĩa thắng hung tàn, lòng nhân xua thù hận. Di sản Mẹ Việt Nam là tình tự dân tộc trường tồn.

Chúng ta tri ân những người ngã xuống cho tự do vươn lên. Chúng ta không quên ơn những người sống sót là nhân chứng lịch sử. Không chiến thắng nhưng họ chẳng mất danh dự. Không chiến thắng nhưng họ không mất chính nghĩa. Không chiến thắng, nhưng họ không mất niềm tin. Không chiến thắng, nhưng họ không mất tư cách. Không chiếm được lãnh thổ, nhưng họ chiếm được trái tim chúng ta.

Hau Due Phạm Toàn, Virginia USA.